Ngày 24-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Bên lề kỳ họp, phóng viên Báo SGGP trao đổi với các đại biểu Quốc hội liên quan lĩnh vực y tế được nêu trong dự thảo luật này.
Chưa đột phá về lĩnh vực thuốc, thiết bị y tế
* PHÓNG VIÊN: Đại biểu đánh giá thế nào về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong lĩnh vực y tế?
- Đại biểu ĐINH NGỌC QUÝ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội): Riêng lĩnh vực y tế nêu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này, tôi cho rằng, bên cạnh vấn đề giá cần quan tâm đến chất lượng và hiệu quả điều trị. Các yếu tố chất lượng nêu trong dự thảo luật thể hiện chưa được nhiều, chưa thật rõ, vẫn nặng về tiêu chí giá.
Quốc hội họp ngày 24-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
Nhiều đại biểu cũng có ý kiến nếu chúng ta căn cứ vào giá thì khó đạt được mục tiêu hài hòa giữa chất lượng và giá cả. Cũng có đại biểu trong quá trình đi giám sát ở các sở y tế đã đề cập đến vấn đề nếu không cẩn thận sẽ rơi vào y tế giá rẻ.
Chính vì thế, trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này có quy định ưu tiên về thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được các yêu cầu về thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn các nước châu Âu hoặc tương đương. Tuy nhiên, các hướng dẫn cụ thể để xác định tỷ trọng giữa giá và chất lượng của thuốc, thiết bị y tế thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
- Đại biểu PHẠM KHÁNH PHONG LAN (Trưởng Ban An toàn thực phẩm TPHCM): Tôi đánh giá dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) này chưa đột phá về lĩnh vực thuốc và trang thiết bị y tế. Trong dự thảo cũng chỉ nói đến mua sắm tập trung nhưng cuối cùng cũng bằng đấu thầu rộng rãi. Ngoài ra, không có những quy định như tăng cường đàm phán giá, chỉ định thầu trong trường hợp khẩn cấp như thế nào và tiêu chí đánh giá của bác sĩ chưa đưa ra thành tiêu chí trong điểm kỹ thuật.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trong kỳ họp này, tôi lấy làm tiếc khi nghị định, thông tư đi kèm dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) không được trình Quốc hội. Vì thực tế, chính các văn bản dưới luật đã có những quy định tự siết chặt mình, khó áp dụng khi luật đi vào cuộc sống.
* Theo đại biểu, sẽ có hướng dẫn chi tiết nếu dự thảo luật thông qua?
- Đại biểu ĐINH NGỌC QUÝ: Luật Đấu thầu khá phức tạp, nhiều thủ tục và rất nhiều điều kiện ràng buộc, nhiều chủ thể tham gia. Lần này các cơ quan chức năng đã bàn rất kỹ, thậm chí các đơn vị trực tiếp từ cơ sở y tế đã cùng với ban soạn thảo, tổ biên tập cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì tiếp thu để thảo luận các vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Quý. Ảnh: QUANG PHÚC |
Vì vậy, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này đã quy định rõ, tôi cho rằng trong cách thức tổ chức thực hiện làm sao để các bên thống nhất, cùng cách hiểu các quy định của luật. Ở đây có hai vấn đề, đó là luật quy định những nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện rất cụ thể. Còn các tiêu chí chi tiết, Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ quy định.
* Đi vào chi tiết dự thảo luật có quy định đấu thầu trong trường hợp cấp cứu người bệnh chứ không phải trong trường hợp cấp bách?
- Đại biểu PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này có đầu tư, tiếp thu các ý kiến rất nhiều. Dù vậy trong lĩnh vực y tế, nhất là mảng đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thì vẫn còn thiếu nhiều.
Trong đó, tôi cho rằng cần phải ghi rõ trường hợp nào là cấp bách, tránh tình trạng khi thực hiện lại có nhiều cách khác nhau thế nào là trong trường hợp cấp bách để thực hiện chỉ định thầu.
- Đại biểu NGUYỄN TRI THỨC (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy): Tôi đồng tình với đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Trong dự thảo luật cần điều chỉnh thay thế và bổ sung tình trạng cấp bách trong y tế sẽ bao quát các tình huống thực tế xảy ra như: trang thiết bị y tế hư hỏng đột xuất, đứt bóng đèn máy CT scanner không có thiết bị chẩn đoán cho bệnh nhân.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức. Ảnh: QUANG PHÚC |
Hiện nay, lượng bệnh nhân tăng cao làm xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… ở bệnh viện tuyến trên. Các tình huống này lại không thuộc tình huống cấp cứu, chỉ là tình huống cấp bách. Vì vậy, cần được pháp luật cho phép chỉ định thầu rút gọn để đáp ứng kịp thời, nhanh chóng mua sắm thuốc, vật tư y tế... để cứu chữa người bệnh.
Chú trọng chất lượng hơn giá cả
* Vừa qua các cơ sở y tế phản ánh thuốc đấu thầu giá rẻ chất lượng không được như mong muốn?
- Đại biểu ĐINH NGỌC QUÝ: Đây là vấn đề mà bản thân các cơ sở y tế thực hiện khám chữa bệnh trong thời gian qua phản ánh rất nhiều và đặc biệt đối với các thuốc, thiết bị y tế liên quan đến danh mục thanh toán từ bảo hiểm y tế, thường là thuốc giá rẻ và chất lượng không được như mong muốn.
Chính vì thế tại các cuộc hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, cơ sở y tế đề nghị trao quyền cho hội đồng y khoa ở các cơ sở y tế hoặc hội đồng quản lý bệnh viện có quyền quyết định thông số về hiệu quả điều trị.
Bởi vì chỉ những cơ sở khám chữa bệnh trực tiếp chăm sóc sức khỏe, điều trị, khám bệnh cho bệnh nhân mới đánh giá được hiệu quả điều trị, đưa ra việc lựa chọn thuốc cho phù hợp.
- Đại biểu PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Đấu thầu là phương tiện chứ không phải là mục tiêu, cho nên đấu thầu là cách để mua được sản phẩm bằng ngân sách Nhà nước với chất lượng chấp nhận tốt và giá cả rẻ nhất.
Mặt khác, trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế... theo quy định trong Thông tư 14 của Bộ Y tế về xây dựng giá kế hoạch rồi mới chào thầu và giá trúng thầu bắt buộc phải thấp hơn giá kế hoạch. Chúng ta chỉ thu hút được đối tượng tham gia đấu thầu ưu tiên giá cả hơn là chất lượng.
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp ngày 24-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
Từ đó, chúng ta có thể tiết kiệm được tiền nhưng mà người bệnh lâu khỏi, tăng ngày điều trị, mất uy tín bác sĩ, mất uy tín của hệ thống bảo hiểm y tế mới là điều đáng nói. Ngoài ra, điều này dẫn đến thiếu đi sự phát triển bền vững của ngành dược, thiết bị y tế... trong nước.
* Vậy theo đại biểu tỷ trọng giữa tiêu chí giá và chất lượng bao nhiêu là lý tưởng?
- Đại biểu ĐINH NGỌC QUÝ: Tôi cho rằng, trong thang điểm đấu thầu làm sao để tỷ trọng chất lượng chiếm khoảng 70% là lý tưởng. Hy vọng dự thảo luật này được thông qua thì Chính phủ có hướng dẫn chi tiết thực hiện trên tinh thần tiêu chí chất lượng chiếm tỷ trọng cao hơn và phù hợp. Tiêu chí giá chỉ là yếu tố trong việc xét thầu, lựa chọn thầu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức. Ảnh: QUANG PHÚC |
* Đối với những bệnh viện lớn, hạng đặc biệt lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế đang gặp khó?
- Đại biểu NGUYỄN TRI THỨC: Trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội lần này chưa quy định lựa chọn nhà thầu cung cấp trang thiết bị y tế chuyên dụng. Trong khi đó, trang thiết bị y tế chuyên dụng mang tính đặc thù riêng của ngành y tế, có những trang thiết bị liên quan trực tiếp đến điều trị bệnh nhân, đến sức khỏe và sinh mạng của người bệnh đều là thiết bị y tế kỹ thuật cao.
Các bệnh viện tuyến trên, hạng đặc biệt rất cần nhưng hiện nay dự thảo luật vẫn chưa quy định cụ thể hoặc chưa cho phép được chọn thương hiệu, nước sản xuất để đấu thầu mua sắm.
Nếu không quy định rất có thể sẽ mua các thiết bị của các thương hiệu kém, của các nước thứ 3 sản xuất do họ cạnh tranh rất lớn về giá cả trong khi chất lượng và độ bền của thiết bị thì không bằng được sản xuất tại các nước tiên tiến phát triển.
Từ đó, tôi kiến nghị bổ sung thêm quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp trang thiết bị y tế chuyên dụng, nhà thầu cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo trì thay thế linh kiện trang thiết bị y tế chuyên dụng ngoài việc xét yếu tố về giá cả phải được quy định xét đến hiệu quả sử dụng, độ bền của thiết bị, hãng sản xuất, nước sản xuất.
Đồng thời cần thiết bổ sung cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt trở lên được lựa chọn thương hiệu, nước sản xuất trong việc mua sắm các thiết bị điều trị kỹ thuật cao có tính chuyên sâu, phù hợp với mô hình bệnh tật và nhân lực được đào tạo của cơ sở y tế đó