Xác minh của Sở Y tế TPHCM cho thấy, ông Nguyễn Quốc Thắng không phải nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi đồng 2. Tuy nhiên, từ năm 2018-2023, ông Thắng đã tập vật lý trị liệu cho các bé tại khoa Nhiễm và khoa Nội thần kinh của bệnh viện. Người này khai nhận thường xuyên ra vào Bệnh viện Nhi đồng 2, tiếp cận phụ huynh và đề nghị tập vật lý trị liệu cho những bệnh nhi có nhu cầu.
Tình trạng trên có thể sẽ tiếp diễn nếu không xảy ra vụ việc đau lòng ngày 11-3: Bé gái 9 tháng tuổi được ông Thắng tập vật lý trị liệu tại nhà bất ngờ rơi vào tình trạng tím tái, được cấp cứu nhiều ngày nhưng không qua khỏi. Mẹ của bé gái làm đơn tố cáo và sự việc vỡ lở.
Câu hỏi đặt ra là tại sao một người không phải nhân viên bệnh viện lại tự do đi lại ở khu nội trú, tiếp cận cha mẹ các bệnh nhi và tập vật lý trị liệu cho trẻ suốt 6 năm qua? Người ta có quyền đặt nghi vấn, liệu có hay không mối quan hệ “hỗ trợ” nào đó khiến sự vô lý này tồn tại trong thời gian dài.
Bệnh viện Nhi đồng 2, thuộc địa bàn phường Bến Nghé, quận 1. Khu nội trú có 2 cổng vào trên đường Nguyễn Du và Lý Tự Trọng. Để vào trong khu vực các khoa nội trú, người nhà bệnh nhi phải xuất trình giấy tờ chứng minh, người liên hệ công tác phải cung cấp thông tin phòng/ban cần gặp, nhân viên bảo vệ sẽ ghi chép lại biển số xe của khách, thậm chí gọi điện thoại xác nhận, kiểm soát rất chặt chẽ.
Nhân viên của bệnh viện có thể chạy xe máy vào hoặc đi xe điện trong nội khu. Giải thích như vậy để hiểu rằng, người lạ rất khó để vào khu nội trú của Bệnh viện Nhi đồng 2.
Thế nhưng, theo lời mẹ của bé gái, ông Thắng thường xuyên ra vào khoa Nội thần kinh, tập luyện cho bệnh nhi ngay trong phòng bệnh, hay trò chuyện với nhân viên y tế khác nên chị không mảy may nghi ngờ. Và rõ ràng, để quen thuộc đến như vậy, chỉ riêng “năng lực” của ông Thắng là không đủ.
Theo Sở Y tế TPHCM, ông Thắng không có chuyên môn về vật lý trị liệu, không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nhưng đã tiếp cận người nhà bệnh nhi, hành nghề vì vụ lợi (gia đình bé gái đã thanh toán cho ông Thắng hơn 37 triệu đồng).
Vậy, số tiền thu được từ hành vi vụ lợi (nếu có) trong 6 năm qua là bao nhiêu, có trường hợp nào khác phải nhận hậu quả từ một người thiếu chuyên môn y khoa? Những em bé phải tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng vốn đã chịu thiệt thòi vì có bệnh lý kèm theo, trong đó có những trẻ bị tổn thương hoặc di chứng não.
Đến nay, bên cạnh việc thông báo cho nhân viên tăng cường hơn nữa công tác an ninh, kiểm tra, giám sát việc ra vào, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn chưa đưa ra lời giải thích cần thiết về trách nhiệm. Nhiều câu hỏi đang chờ lời giải để thân nhân hàng ngàn bệnh nhi tiếp tục đặt lòng tin vào một cơ sở y tế lâu đời và chuyên sâu của TPHCM, bởi lẽ trong vụ việc này, bệnh viện không thể vô can!