Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, thông tin trên báo chí về tình trạng thiếu vật tư tiêu hao cạn kiệt và thiếu hóa chất xét nghiệm là sự thật và nó sẽ xảy ra ở nhiều bệnh viện.
PV: Ông có thể thông tin về những khó khăn thực tế tại BV Bạch Mai hiện nay, khi đây là bệnh viện tuyến cuối và đóng vai trò lớn trong khám, chữa bệnh tại miền Bắc?
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Với Bộ Y tế cũng như trên các kênh truyền thông, tôi đã chia sẻ về tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao của BV Bạch Mai khi phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Chưa bao giờ, BV Bạch Mai rơi vào tình cảnh như bây giờ.
Các thiết bị phục vụ cho công tác chẩn đoán, đặc biệt là thiết bị phục vụ chẩn đoán hình ảnh, các máy chụp chiếu, siêu âm thiếu trầm trọng. Bởi vì, trước những năm 2020, toàn bộ những thiết bị này phần lớn là máy liên doanh, liên kết. Đến khi các hợp đồng liên doanh, liên kết hết hạn và cùng với đó Thông tư về liên doanh, liên kết hiện tại bị bãi bỏ nên hiện nay không có một Thông tư, Nghị định nào hướng dẫn về việc này. Do vậy, chúng tôi không có cơ sở pháp lý để tái ký kết các hợp đồng.
Về phía các doanh nghiệp, sau khi bệnh viện Bạch Mai được các cơ quan tư pháp làm việc, thanh tra, kiểm tra thì các đề án liên doanh, liên kết này cũng vướng về mặt pháp lý, nên không có một cơ quan, tổ chức nào đàm phán với chúng tôi vấn đề liên doanh liên kết nữa.
Chúng tôi đang chờ văn bản pháp quy, Thông tư, Nghị định trên cơ sở Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi). Chúng tôi mong muốn sớm có văn bản pháp quy, những hành lang lý chặt chẽ để thực hiện công tác xã hội hóa trong y tế. Theo đó, huy động được nguồn lực từ xã hội để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh, phục vụ người bệnh. BV Bạch Mai đang chờ đợi một cơ chế chuẩn chứ không có “ý định xin miếng bánh từ ngân sách”.
Do vậy, với tư cách là một Giám đốc bệnh viện tuyến cuối, tôi mong rằng Đảng, Chính phủ và Nhà nước và đặc biệt là các bộ, ngành, khi đã có Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) thì mau chóng xây dựng văn bản pháp quy, những hành lang pháp lý chuẩn để các bệnh viện có căn cứ hoạt động một cách công khai, minh bạch. Đồng thời, giúp cho các tổ chức xã hội, các cá nhân tham gia vào công tác xã hội hóa trong công tác y tế.
PV: Bệnh viện thiếu thuốc thì người bệnh đã phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Như ông vừa chia sẻ, đây là tình cảnh khó khăn chưa từng có tại lớn như BV Bạch Mai, vậy với các bệnh viện tuyến dưới khó khăn sẽ như thế nào?
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Tình cảnh của bệnh viện hiện nay khiến người bệnh phải chịu những thiệt thòi lớn. Các bệnh viện tuyến dưới họ có giải pháp khi hết vật tư, thiết bị là chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, lên tuyến cuối. Nhưng chúng tôi là bệnh viện tuyến cuối, không thể chuyển bệnh nhân đi đâu được và sẽ phải tiếp nhận tất cả các bệnh nhân được chuyển đến.
Tại BV Bạch Mai, người bệnh có thể nói là phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. BV Bạch Mai từ năm 2009-2019, chúng tôi rất tự hào là bệnh viện không thiếu một thiết bị gì ở tất cả các chuyên ngành. BV Bạch Mai là bệnh viện đa khoa và chúng tôi có những thiết bị hiện đại sớm nhất trong cả nước. Đó là 10 năm huy hoàng nhất của thời kỳ thực hiện công tác xã hội hóa, liên doanh liên kết của bệnh viện.
Tuy nhiên, sau khi thanh tra kiểm tra, BV Bạch Mai cũng có vướng vào những vấn đề pháp lý và soi lại thì thấy Thông tư quy định về vấn đề xã hội hóa còn nhiều bất cập. Lần này, Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua có cả một chương về vấn đề hoạt động tài chính trong bệnh viện và cũng nói rất nhiều đến vấn đề xã hội hóa trong công tác y tế. Nhưng, điều cần thiết lúc này là các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện như các Nghị định, Thông tư về những lĩnh vực xã hội hóa y tế, đặc biệt là các hoạt động liên doanh, liên kết, thuê mượn trang thiết bị máy móc tại bệnh viện và trong hệ thống bệnh viện công lập.
PV: Trong lúc chờ đợi văn bản pháp quy, những hành lang lý chuẩn, BV Bạch Mai có những giải pháp tình thế nào cho vấn đề thiếu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao? Bệnh viện có “sợ” đấu thầu hay không?
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát - khoảng quý II/2022, số lượng bệnh nhân đến BV Bạch Mai tăng một cách đột biến. Khi số lượng thiết bị thiếu và khó khăn như vậy, chúng tôi đã phải tổ chức lại hoạt động khám, chữa bệnh. Chúng tôi đã động viên cán bộ, nhân viên đi làm sớm hơn, về muộn hơn; chia lại ca, kíp trực. Các hệ thống phòng khám của chúng tôi bắt đầu hoạt động từ 5h sáng.
Theo đó, các máy chiếu chụp để phục vụ cho bệnh nhân ngoại trú sẽ làm ca sáng. Còn những bệnh nhân nội trú thì làm ca chiều và đêm. Trừ những bệnh nhân cấp cứu trong nội trú thì thực hiện chụp, chiếu vào ca sáng.
Do vậy, về cơ bản chúng tôi vẫn khắc phục được tình trạng thiếu thiết bị. Tuy nhiên, tình trạng này nếu kéo dài thì các thiết bị của chúng tôi cũng không còn sức tải nữa. Đây là vấn đề hết sức khó khăn. Bệnh viện cũng đã sử dụng nguồn ngân sách tiết kiệm và đang thực hiện các gói thầu mua tạm những thiết bị để có thể đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.
Những sai phạm, thiếu sót trong các hoạt động liên doanh, liên kết trước đây liên quan đến các máy móc thiết bị hoặc đã hết hợp đồng hoặc đang được cơ quan cảnh sát điều tra, rà soát lại và sau đó có thể đưa vào hoạt động trở lại. Chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng để đánh giá những thiết bị nào còn khả năng hoạt động thì sẽ tiếp tục làm việc với các nhà thầu và xem xét các giải pháp để có thể đưa những thiết bị này vào hoạt động lại.
Tuy nhiên, những thiết bị còn hoạt động được cũng không nhiều, nên trong tình trạng cấp bách này, chúng tôi đã và đang đề nghị các bộ, ngành, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế xem xét cấp cho bệnh viện một nguồn ngân sách tạm thời để có thể mua được những thiết bị khẩn cấp phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Nếu BV Bạch Mai có tâm lý sợ sai thì chắc chắn chúng tôi không thể hoạt động được trong vòng hơn 1 năm qua, nhất là khi số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến. Mỗi ngày có từ 8.000-10.000 ca bệnh đến khám ngoại trú và trong nội trú luôn luôn quá tải, các phòng mổ luôn hoạt động hết công suất và nhu cầu về thuốc men, vật tư tiêu hao vô cùng lớn.
Do vậy, chúng tôi đã tổ chức đấu thầu thường xuyên. Nếu thất bại, chúng tôi tiếp tục tổ chức đấu thầu lại để duy trì đủ thuốc, đủ vật tư tiêu hao phục vụ người bệnh ở mức tối thiểu nhất. Những ngày qua, báo chí đã thông tin về tình trạng vật tư tiêu hao cạn kiệt và thiếu hóa chất xét nghiệm. Đây là sự thật và nó sẽ xảy ra ở nhiều bệnh viện.
Vì vậy, chúng tôi đang phải hết sức nỗ lực và đã khẩn trương báo cáo Bộ Y tế, báo cáo các bộ, ngành liên quan để có phương án và giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trong đó, Nghị quyết 144 đã có những sửa đổi để trình Chính phủ cho phép các bệnh viện tiếp tục kéo dài thời gian đặt máy móc, máy mượn sau khi đấu thầu trúng hóa chất, cho đến khi những văn bản pháp quy chuẩn ra đời thay thế.
PV: Xin cảm ơn ông.