Kế hoạch ngân sách năm 2012 do liên minh cầm quyền của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đưa ra đã không được thông qua tại Quốc hội. Phe đối lập gia tăng sức ép đòi ông Berlusconi từ chức lập tức.
Kỷ nguyên của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi sắp chấm dứt? |
Thủ tướng Berlusconi đang chịu sức ép từ chức ngày càng lớn sau khi Italia bị hạ bậc tín nhiệm nợ, kéo theo hàng loạt ngân hàng lớn của nước này bị hạ tín nhiệm. Chi phí lãi vay của Italia có xu hướng tăng, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng từ 5,53% lên 5,66% vào giữa tuần trước.
Hàng nghìn người đã tụ tập bên ngoài Ngân hàng Italia, phong tỏa một trong những con phố chính ở thủ đô Rome để phản đối tình trạng thất nghiệp gia tăng và kế hoạch của Chính phủ cắt giảm chi tiêu. Các cuộc biểu tình chống Chính phủ cũng được tổ chức tại một số thành phố như Napoli, Ancona, Bologna khiến giao thông rối loạn.
Giới trẻ Italia sử dụng mạng xã hội để phát động cuộc biểu tình phản đối này, đồng thời đang tìm cách châm ngòi cho một sự kiện tương tự phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" ở Hoa Kỳ. Phe đối lập yêu cầu Thủ tướng Berlusconi lập tức từ chức.
Đây không phải lần đầu ông Berlusconi hứng búa rìu dư luận. Berlusconi đã khuynh đảo chính trường Italia từ lần đầu tiên được bầu làm Thủ tướng năm 1994. Qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng (không liên tục), uy tín của ông đã giảm sút nghiêm trọng. Năm 2009, ông bị tố cáo có quan hệ tình dục với các cô gái trẻ, có cả trẻ vị thành niên, khiến vợ ông đâm đơn li dị.
Trước đây, Thủ tướng Italia được hưởng quyền miễn truy tố khi tại nhiệm nhưng từ tháng 1-2011, Tòa án hiến pháp Italia đã ra phán quyết bác bỏ quyền miễn trừ này. Tháng 2-2011, các công tố viên Milan yêu cầu truy tố ông tội hình sự liên quan đến đường dây mại dâm hạng sang và lạm dụng quyền lực để bưng bít vụ việc.
Cũng trong tháng 2 diễn ra phiên tòa đầu tiên xử vụ cáo buộc gian lận thuế của Tập đoàn truyền thông Mediaset thuộc sở hữu Berlusconi. Các công tố viên cũng cho biết sẽ lật lại vụ án cựu luật sư thuế của Berlusconi là David Mills nhận hối lộ để làm chứng gian dối.
Tháng 6, ông Berlusconi vấp phải thất bại cay đắng khi các đạo luật do Chính phủ của ông phê chuẩn nhằm tái khởi động chương trình năng lượng hạt nhân Italia, tư nhân hóa ngành cung cấp nước và trao cho Thủ tướng quyền miễn truy tố, đã bị các nhà lập pháp bỏ phiếu từ chối.
Cho đến nay vị Thủ tướng 75 tuổi đầy tai tiếng với những vụ bê bối tình dục, tham ô, trốn thuế… vẫn yên vị ở đỉnh cao quyền lực. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế đẩy Italia bên bờ vực vỡ nợ có thể là sự cố cuối cùng đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên Berlusconi.
Nợ công Italia đã lên tới 118% GDP, cao thứ nhì khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ ít hơn mỗi “con bệnh” Hy Lạp. Mặc dù ông Berlusconi không ngừng hứa hẹn xóa thâm hụt ngân sách Italia vào năm 2013 nhưng ông chưa thuyết phục được dân chúng rằng sẽ hoàn thành lời hứa này bằng cách nào.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Italia cần cải cách triệt để cấu trúc và cắt giảm chi tiêu để kích thích kinh tế và giảm nợ công. Trong lúc đó, giới phê bình chỉ trích ông Berlusconi lãng phí tâm sức vào những rắc rối đời tư hơn là tập trung cống hiến cho đất nước.