Hiện, dự án đang phát sinh nhiều tồn tại trong thi công xây dựng, đồng thời hồ sơ pháp lý dự án chưa đầy đủ khiến các ngành chức năng Bình Định lúng túng xử lý.
Dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa dở dang đến nay đã 6 năm với nhiều bất cập, sai phạm
Bạt núi, lấp hồ rồi... để đó
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, những ngày đầu tháng 11-2021, dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa vẫn chỉ là bãi đất hoang hóa rộng bạt ngàn. Quá trình thi công mặt bằng, doanh nghiệp (DN) huy động máy móc, phương tiện san bạt, đào cắt sâu vào chân và sườn núi Bà Hỏa. Người dân sống gần dự án phản ánh, DN đào phá chân, sườn núi Bà Hỏa rồi bỏ hoang nên mùa mưa bị sạt lở, tràn đất đá vào nhà dân. Không chỉ san bạt núi, dự án còn lấp nhiều diện tích hồ Phú Hòa (thuộc 2 phường Nhơn Phú, Đống Đa, TP Quy Nhơn), nơi điều tiết nước và được mệnh danh là “lá phổi” của Quy Nhơn.
Dự án cũng gây gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các trụ sở, cơ quan Nhà nước lân cận. Tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài từ trong dự án vẫn dở dang, nên mùa nắng thì bụi bặm, mưa xuống thì lầy lội, ngập nước, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Bình Định. Theo ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định, trụ sở làm việc mới của đơn vị này được đầu tư gần 100 tỷ đồng, nằm trong phần lõi của Khu đô thị hồ Phú Hòa, nhưng đang đứng yên gần 2 năm nay.
Dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa và các dự án thành phần hình thành, phê duyệt trong giai đoạn nhiệm kỳ 2010-2015 của tỉnh Bình Định. Thời điểm đó, nhiều cựu lãnh đạo, chuyên gia bày tỏ lo ngại, thậm chí phản đối trước việc cho phép DN đào phá núi Bà Hỏa, san lấp hồ Phú Hòa; vì TP Quy Nhơn chịu tác động khí hậu biển nên cần phải có hồ để điều hòa khí hậu, điều tiết nước, giảm ngập lụt, triều cường… Hơn nữa, quỹ đất để phát triển TP Quy Nhơn không lớn, trong khi nhu cầu về đất ở đô thị ngày càng tăng, vì thế việc bỏ hoang hàng trăm hécta giữa trung tâm thành phố nhiều năm qua là lãng phí tài nguyên.
Chưa đủ pháp lý đã thi công
Theo hồ sơ, dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa có tổng diện tích 324ha, tổng vốn 5.000 tỷ đồng, được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 từ tháng 7-2015, giao liên doanh nhà đầu tư Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Thành An triển khai. Trước đó, tháng 7-2014, Tập đoàn Phúc Lộc được UBND tỉnh này giao triển khai 2 dự án BT hạ tầng Khu đô thị hồ Phú Hòa, gồm: đường Điện Biên Phủ nối dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa. Thế nhưng, đến nay, các dự án trên đều dở dang.
Tháng 11-2018, UBND tỉnh Bình Định cho tạm dừng dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa để thanh toán 2 dự án BT. Qua đó, giao Ban Quản lý dự án (BQLDA) dân dụng và công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để thực hiện 2 dự án BT theo đúng quy định. Tuy vậy, đến tháng 8-2019, Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra, chỉ ra một số bất cập, sai phạm đối với 2 dự án BT tại hồ Phú Hòa. Trong đó, dù chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công và chưa có giấy phép xây dựng nhưng nhà đầu tư vẫn triển khai 2 dự án. Ngoài ra, nhà đầu tư chưa làm thủ tục chuyển đổi 7,6ha rừng phòng hộ thuộc hành lang an toàn lưới điện…
Theo BQLDA dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Định, về mặt quản lý Nhà nước, đơn vị này thay mặt UBND tỉnh Bình Định ký hợp đồng BT với Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc. Sau khi ký hợp đồng, trong 3 tháng đến 1 năm, DN phải tự thuê đơn vị tư vấn, lập và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thi công, xây dựng để được thẩm định. Tuy nhiên, từ tháng 1-2016 đến nay, nhà đầu tư không làm theo quy định mà cố tình tự ý triển khai 2 dự án BT và bị Thanh tra Chính phủ “tuýt còi”. Mặc dù UBND tỉnh Bình Định và các sở, ban ngành tỉnh này nhiều năm liền có văn bản đôn đốc, chỉ đạo và chấn chỉnh nhưng DN vẫn chây ỳ, không thực hiện. Thậm chí, DN còn cho rằng đất đó của mình, ngăn chặn và tranh chấp với các dự án, công trình địa phương đầu tư vào khu đô thị này.
Đến nay, hợp đồng BT giữa Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, Ban BQLDA dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Định đã hết hạn. Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định có văn bản chỉ đạo các sở liên ngành địa phương mời Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc vào Bình Định để tìm giải pháp tháo gỡ, khởi động lại các dự án. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các bên vẫn chưa làm việc với nhau.
Hiện tại pháp lý đầu tư, xây dựng của Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc tại 2 dự án BT ở hồ Phú Hòa và Khu đô thị, du lịch, văn hóa, thể thao hồ Phú Hòa vẫn chưa đầy đủ, chưa được giao đất, chưa được Thủ tướng phê duyệt... Mới đây, UBND tỉnh Bình Định giao toàn bộ mặt bằng khu đô thị này cho UBND TP Quy Nhơn quản lý, để ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư lấn chiếm đất, san ủi, đào lấy đấtở núi Bà Hỏa. |