Không chỉ độc đáo tinh xảo trong đường nét, hoa văn, chuông Nhật Tảo cùng với tư liệu từ 2 bài minh khắc trên chuông vô cùng quý giá, giúp hiểu hơn về lịch sử đất nước cách đây hơn 1.300 năm.
Báu vật nơi cửa đình
Nằm ven đê sông Hồng, dưới chân cầu Thăng Long, đình làng Nhật Tảo là một trong những ngôi đình cổ kính còn giữ được nguyên vẹn khuôn viên xưa cũ. Đình thờ Thái tể thượng tướng Trần Nguyên Trác, con thứ hai của vua Trần Minh Tông. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông trong quá trình khai hoang, lập ấp ở vùng đất này, dân chúng nơi đây đã lập miếu thờ cúng hàng năm.
Chuông đồng đình làng Nhật Tảo được công nhận Bảo vật quốc gia lần thứ 8.
Với lịch sử hơn 600 năm tuổi, đình Nhật Tảo từng là chứng nhân lịch sử của nhiều sự kiện quan trọng, là nơi còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo chứng minh sự giao thoa của nền văn hóa Đại Việt với nhiều nền văn hóa khác, một trong số đó là văn hóa của người Chăm Pa cổ.
Ông Đặng Văn Đường, thủ từ đình Nhật Tảo cho biết, những năm 1951-1953, thực dân Pháp chiếm đình Nhật Tảo, làm bốt đóng quân, xây 4 lô cốt ở 4 góc đình, do đó dân làng phải sơ tán toàn bộ đồ thờ tự và đồ tế khí của đình về Văn Chỉ của làng. Đến 1994, dân làng tổ chức rước toàn bộ đồ thờ tự và tế khí trở lại đình.
Tháng 3-1995, khi làm hồ sơ xếp hạng di tích các nhà khảo cổ mới phát hiện ra quả chuông cổ. Cũng có tài liệu ghi chép lại cho rằng chuông được một nhà nghiên cứu Hán Nôm phát hiện năm 1987 ở miếu thờ đức thánh Trần, thôn Nhật Tảo, sau đó, quả chuông được đem về cất giữ ở đình làng Nhật Tảo. Về thời điểm phát hiện tuy có chênh nhau song những giá trị của chuông Nhật Tảo vẫn không vì thế mà suy chuyển.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, chuông Nhật Tảo là cổ vật độc bản, được xem là quả chuông duy nhất ở thế kỷ 10 cho đến nay, được phát hiện ở Việt Nam. Không chỉ có niên đại sớm và cổ xưa nhất còn lại, chuông Nhật Tảo có hình dáng độc đáo, khác biệt so với hệ thống chuông chùa ở Việt Nam có từ xưa tới nay. Họa tiết trang trí trên thân chuông thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật đúc đồng thời bấy giờ.
Chuông đồng đình làng Nhật Tảo được công nhận Bảo vật quốc gia lần thứ 8.
Chuông được đúc theo lối thượng thu hạ thách (trên thon, dưới nở). Quai chuông đúc nổi đôi thú (giống như Ly Thủ) đấu lưng vào nhau, uốn cong tạo thành núm treo chuông. Thú có đầu to, mắt lồi, hai sừng thẳng, bờm ôm sát đầu, thân có vảy, hai chân và miệng ngậm tỳ xuống đỉnh chuông tạo thế vững chắc cho quai chuông. Chỏm quai tạo hình núm tròn dẹt nhô lên nhưng không phải là hồ lô như trên các quai chuông sau này.
Đỉnh chuông bằng, vai xuôi, thân hình trụ, miệng loe có gờ, thành chuông dày. Thân chuông được phân cách bởi 5 đường đúc nổi ngang dọc, tạo thành 8 ô, phần trên là 4 ô hình thang đứng, phần dưới là 4 ô hình chữ nhật. Nằm giữa 5 đường đúc nổi nêu trên là 4 núm gõ (để đánh chuông), núm tròn, tạo hình bông hoa nở, xung quanh có 12 cánh hoa.
Phần trên của mặt ngoài chuông khắc chìm chữ Hán, theo lối chữ chân, còn khá rõ, phủ kín cả 4 ô hình thang và khoảng trống giữa những đường đúc dọc (gồm 27 cột, 211 chữ). Trải qua thời gian dài hơn 1.000 năm, một số phần nhỏ chuông bị hư hỏng như phần chỏm quai vỡ thiếu mảnh, linh thú gẫy 1 chân, sừng, một số cánh hoa của 2 núm gõ bị mòn vẹt do quá trình sử dụng. Song về tổng thể chuông được đánh giá là còn khá nguyên vẹn.
Sử liệu chữ viết sớm nhất của thời kỳ tự chủ
Không chỉ độc đáo về họa tiết, mà bài minh trên quả chuông Nhật Tảo có thể coi là một trong những sử liệu chữ viết sớm nhất của thời kỳ tự chủ từ thế kỷ 10, cung cấp những thông tin vô cùng quý báu về một thời kỳ mà sử liệu thành văn của nước ta không có nhiều.
Bài minh được viết năm Càn Hòa thứ 6 (năm 948). Theo các nhà nhiên cứu, Càn Hòa là niên hiệu của Lưu Thạnh, vua nước Nam Hán, một nước thời Ngũ Đại Thập Quốc, đóng đô ở Quảng Châu. Tuy nhiên, đây là chuông Việt Nam, không phải chuông Trung Quốc, vì tên địa danh ghi ở bài minh đã xác nhận điều đó. Trong bài minh có nhắc đến năm Giáp Thìn, tức năm 944, là năm Ngô Quyền mất.
Sau đó Dương Tam Kha đã cướp ngôi vua, xưng là Bình Vương. Năm 948 là năm Dương Tam Kha đã ở ngôi vua được 4 năm. Theo sử sách ghi lại tuy Ngô Quyền đã giành lại nền độc lập, xưng vương, nhưng vẫn chưa có niên hiệu cho nên, để ghi năm tháng cho các văn bản trong nước ta thời đó, người ta phải dùng niên hiệu của Nam Hán, dù rằng, đạo quân xâm lược của nước này đã bị Ngô Quyền đánh bại ở sông Bạch Đằng năm 938.
Bài minh trên chuông là nguồn sử liệu chân thực, vô cùng quan trọng và quý giá, giúp chúng ta tìm hiểu nhiều vấn đề lịch sử làng xã, tôn giáo, đặc biệt là Đạo giáo trong đời sống tâm linh của người Việt ở thế kỷ 10.
Đây là tài liệu hiện vật đầu tiên và duy nhất được biết cho tới nay thể hiện mối quan hệ song hành giữa Đạo giáo và Phật giáo, làm cơ sở cho sự hình thành tư tưởng Đạo- Phật- Nho cùng đồng hành trong đời sống tâm linh của người Việt vào thời Lý-Trần. Minh văn trên quả chuông cũng cung cấp thông tin về tổ chức hành chính xã-thôn-huyện xuất hiện ở nước ta khá sớm (xã ở đây vừa là một tổ chức tôn giáo, đồng thời là một đơn vị hành chính), cùng với đó là những chức danh Đạo giáo ở nước ta vào thế kỷ thứ 10.
Với những giá trị nổi bật về mỹ thuật, sử liệu… chuông Nhật Tảo vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia (lần phong tặng thứ 8). Theo cụ Nguyễn Lâm Thao, trưởng Tiểu ban bảo vệ di tích đình Nhật Tảo, báu vật của làng đang được cất giữ rất cẩn mật ở nơi chỉ có 4 người biết và phải có đủ có 4 người chuông mới có thể lấy ra được. Chuông chỉ được đem ra bày ở đình vào 2 dịp là hội làng (tháng 2) và giỗ tổ đình (tháng 9) những năm chẵn, năm trọng.