Tối 24-1, trao đổi với phóng viên, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt giam ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đang điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 10/QĐ-CSKT-P10 ngày 4-3-2023; quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/QĐ-CSKT-P10 ngày 9-8-2023 và số 24/QĐ-CSKT-P2 ngày 25-11-2023. Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Ông Trần Đức Quận bị bắt
Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan chức năng xác định: Ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng, đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến dự án Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng), gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hành vi của ông Trần Đức Quận phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cùng ngày, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Trần Đức Quận về tội danh nêu trên.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã thi hành các quyết định, lệnh nêu trên theo quy định của pháp luật.
Hiện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng, đảm bảo thu hồi cho Nhà nước.
Ông Trần Đức Quận, sinh năm 1967 tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng; trình độ Thạc sĩ Luật; hiện là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Trước khi làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, ông Quận từng trải qua các vị trí Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai, tỉnh Lâm đồng; Bí thư Thành ủy TP Đà Lạt. Cuối năm 2020, ông Quận được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khóa XI.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, mở rộng điều tra vụ án "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, đến nay xác định: Ông Trần Văn Hiệp đã có hành vi nhận hối lộ liên quan đến dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 10, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Trần Đức Quận và ông Trần Văn Hiệp thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đầu tư, đất đai, nhà ở, bảo vệ môi trường.
Theo đó, cơ quan thanh tra kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của 3 dự án do qua kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư, cụ thể: Dự án vườn ươm do Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thuê tại phường 7, TP Đà Lạt với diện tích gần 80.000m2; Dự án xây dựng khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp King Palace do Công ty TNHH Hoàn cầu làm chủ đầu tư tại đường Trần Quang Diệu, phường 10, TP Đà Lạt; Dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư.
Dự án xây dựng Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Đức Trọng (gồm Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan). Dự án bao gồm khu đô thị trung tâm (biệt thự Davos), khu biệt thự đa năng, đảo xanh và khu ven hồ.
Đất công trình công cộng gồm công trình trung tâm, dịch vụ công cộng, văn hóa giáo dục, thương mại - dịch vụ - tài chính, khu nghỉ dưỡng khách sạn…
Bên cạnh đó, dự án này còn có công viên là rừng nguyên sinh, vườn hoa thế giới, khu bảo tồn thiên nhiên… trên diện tích lên tới hơn 3.500ha, xuyên qua các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, thuộc huyện Đức Trọng.
Vị trí gần nhất của dự án cách TP Đà Lạt khoảng 50km về phía Nam. Tổng nguồn vốn đầu tư cho siêu dự án này được giới thiệu lên tới hơn 25.200 tỷ đồng. Theo tiến độ đầu tư, dự án được triển khai thực hiện từ năm 2010, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2018.
Sau nhiều năm, Công ty Sài Gòn Đại Ninh mới chỉ đầu tư xây dựng được một số tuyến đường giao thông nội bộ, một số công trình. Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để rừng bị phá, lấn chiếm hơn 368ha (bị phá 257ha, bị lấn chiếm 111ha).
Năm 2017, Sở Tài chính Lâm Đồng có quyết định yêu cầu công ty này bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng 6,66 tỷ đồng, nhưng đến giữa năm 2020, doanh nghiệp này mới chỉ nộp 1,67 tỷ đồng.