Ngày 26-12-2012, khi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) công bố Nghị quyết HĐQT về việc hoãn niêm yết CP, phản ứng của nhiều NĐT đang chờ đợi CP này niêm yết (dự kiến có mã CK là BID) đã được đẩy lên cao.
Hứa hão
Cuối năm 2011, NĐT đã mua hết 84,75 triệu cổ phần BIDV trong đợt IPO của ngân hàng (NH) này, dù khi đó thị trường mới chỉ “chớm” tích cực. Ngoài việc BIDV là một NHTM nhà nước hàng đầu, có nhiều vị thế, NĐT bỏ tiền tham gia đợt IPO còn bởi kỳ vọng NH này sẽ sớm niêm yết.
Kỳ vọng này rất có cơ sở, bởi trước khi đợt IPO diễn ra, đã có những thông tin về việc BIDV có thể lên sàn trong quý II-2012. Thậm chí, còn có những thông tin cao “vời vợi” như có thể niêm yết trên cả 2 sàn HOSE và HNX, niêm yết trên thị trường… quốc tế.
Nửa đầu năm 2012, nhiều người đã tin tưởng về khả năng BIDV sẽ chào sàn trong quý II. Thông tin này càng được củng cố hơn nữa khi BIDV tiến đến việc chốt danh sách cổ đông để lưu ký CP vào tháng 5-2012 và nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE.
Nhưng rồi từ cổ đông cho đến các NĐT ngoài thị trường đã bị chưng hửng (lần thứ nhất) khi BIDV hoãn niêm yết đến quý III-2012. Lúc này, nói đến việc niêm yết của BIDV có người đã buông từ “nản”, nhưng cũng còn có người tự động viên rằng “thôi đợi thị trường”.
Trên một số phương tiện truyền thông, lãnh đạo của BIDV đề ra mốc niêm yết muộn nhất vào ngày 30-9-2012, rồi lại “chắc chắn trong năm 2012”, chưa kể cuối tháng 10 còn có thông tin về giá chào sàn dự kiến của BIDV là 20.000 đồng/CP.
Rất nhiều khả năng đi kèm với rất nhiều kỳ vọng nhưng kết quả cuối cùng lại “đắng ngắt”. Nhìn vào bản công bố thông tin của BIDV, trong đó có đoạn “hoãn niêm yết CP trong năm 2012 tới thời điểm thích hợp”. Nhiều NĐT thực sự hoang mang vì không biết đến khi nào mới thích hợp.
Năm ngoái, BIDV còn đưa ra các mốc thời gian “cứng cáp” như vậy nhưng cuối cùng lại thất hứa, thì nay không biết bao giờ mới là thời điểm thích hợp theo quan điểm của NH này.
Thiếu trách nhiệm
Việc BIDV liên tục hoãn niêm yết vì lý do thị trường không thuận lợi, không đảm bảo lợi ích cổ đông, thoạt nhìn có thể mang tính chất “vì cổ đông”, “vì doanh nghiệp”, nhưng mặt khác lại cho thấy một thực tế là khả năng nhìn nhận thị trường của NH này có vấn đề.
BIDV với vị thế của một ông lớn trên thị trường tiền tệ, khả năng đánh giá diễn biến của nền kinh tế một cách chuẩn xác là điều bắt buộc, thậm chí BIDV còn có thể tạo ra những ảnh hưởng trong nền kinh tế mà NH đóng vai trò như những “huyệt đạo” quan trọng.
Chưa kể, trong hệ thống của BIDV còn có cả CTCK BSC cũng là một CTCK có tên tuổi, năng lực đã được khẳng định từ nhiều năm nay. Nói đến đây, sẽ xuất hiện câu hỏi phải chăng BIDV nhận định những diễn biến của nền kinh tế theo kiểu “đến đâu hay đến đó” để rồi hứa hão với NĐT?
Nhưng nếu như vậy thì đâu xứng tầm của một NHTM nhà nước lớn như BIDV. Hay là BIDV dù đã nắm được những vấn đề, diễn biến của nền kinh tế, thị trường tiền tệ nhưng do đã “lỡ hứa” rồi nên phải “theo” và khi “theo” không được nữa thì phải “buông” vào một thời điểm “thuận lợi”.
NĐT mua CP BIDV kỳ vọng đây là ngân hàng lớn và sẽ niêm yết trong năm 2012. |
Một câu hỏi rất đơn giản: NĐT bỏ tiền mua CP của BIDV vì tin vào lời hứa niêm yết, nay BIDV không thể niêm yết, tức là đã thất hứa. Vậy NH sẽ làm gì để bù đắp cho cổ đông của mình? Rõ ràng, đến thời điểm này, không thấy BIDV có hành động gì mạnh mẽ để hỗ trợ cho cổ đông không bị thiệt hại.
Việc hỗ trợ cổ đông chuyển nhượng thực ra không phải là hỗ trợ, vì đó là quyền lợi của người nắm giữ chứng khoán, nắm giữ cổ phần phổ thông và doanh nghiệp bắt buộc phải làm. Và thực ra, việc mua bán CP BIDV cũng chỉ là các giao dịch bình thường, người bán có tìm thấy người mua thì giao dịch mới thực hiện, trong trường hợp không tìm được người mua thì sao.
Điều đáng nói là với những người tin chắc vào các mốc thời gian BIDV sẽ niêm yết, tiến hành vay tiền để mua CP thì có thể bây giờ đang phải chịu áp lực “xả hàng” để đáo hạn tiền vay là rất lớn.
Giữ một CP “xịn” như BIDV mà không biết ngày niêm yết thì cũng không khác gì so với việc giữ một CP OTC “hàng chợ”. Nói không quá, các cổ đông của NH này, từ ông chủ doanh nghiệp đang trở thành “con tin” và đây vốn dĩ là điều không mong muốn và cũng không nên có đối với một tên tuổi như BIDV.
Công ty đại chúng thì phải hành động vì tất cả các cổ đông, nhưng với những gì BIDV đã làm thì những thiệt hại cho cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài, thậm chí chính nhân viên của BIDV là không hề nhỏ.
Thử hỏi BIDV đã làm tròn trách nhiệm đối với các cổ đông hay chưa? Những lời hứa của lãnh đạo BIDV rốt cuộc… chẳng có giá trị gì? Và như vậy cổ đông biết đặt niềm tin vào đâu? Và sau này liệu BIDV “nói” thì còn ai “tin”?