Lợi suất của vàng trong năm 2011 chỉ khoảng 10%, thấp hơn khá nhiều so với dự báo. Tuy vậy, vàng vẫn được xem là tài sản hấp dẫn với mức sinh lợi cao trong năm 2012.
Giá vàng thế giới diễn biến bất thường trong năm 2011
Biến động điên loạn của giá vàng trong suốt năm 2011 thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư. Giá vàng tăng trưởng liên tục trong 3 quý đầu tiên, nhưng sau đó lại suy giảm đáng kể vào quý IV-2011.
Gần như nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, vàng trong quý IV-2011 đã không còn là nơi ẩn náu trên thị trường tài chính, mà thay vào đó đồng USD đã mạnh lên và trở thành tài sản an toàn hơn.
Yếu tố chính ảnh hưởng đến sự sụt giảm giá vàng trong quý IV-2011 là việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) từ chối gói kích thích định lượng QE3, yêu cầu nâng tỷ lệ ký quỹ vàng tương lai, cũng như khủng hoảng thanh khoản ở các ngân hàng châu Âu, sự mạnh lên của USD và sự thay đổi trong nhận thức về vàng như tài sản an toàn. Ngoài ra việc bán vàng ra ở các quỹ đầu cơ cũng góp phần kéo giảm giá vàng xuống trong giai đoạn này.
Hiện giá vàng giao ngay đang giao dịch quanh mức 1,730 USD/oz. Lợi suất của vàng trong năm 2011 chỉ khoảng 10%, thấp hơn khá nhiều so với dự báo. Tuy vậy, vàng vẫn được xem là tài sản hấp dẫn với mức sinh lợi cao trong năm 2012.
Yếu tố nào tác động đến giá vàng năm 2012?
* Giá trị USD. USD có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh giá vàng. USD mạnh có thể kiểm soát và giữ giá vàng ở mức thấp; trong khi đó USD yếu có nguy cơ đẩy giá vàng lên mức cao hơn.
Mới đây, FED đã cam kết giữ nguyên lãi suất ở mức siêu thấp 0-0.25% đến cuối năm 2014. Động thái này đã thúc đẩy các nhà đâu tư mua vào các kim loại quý để phòng ngừa lạm phát trước nguy cơ suy yếu dần của đồng bạc xanh.
Ngoài ra, khả năng cho một gói kích thích kinh tế mới nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ vẫn còn để ngõ cũng khiến cho thị trường kỳ vọng vào sự mất giá hơn nữa của đồng bạc xanh.
* Nhu cầu vàng ở thị trường châu Á. Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia có nhu cầu vàng thỏi lớn nhất cho thị trường đồ trang sức. Vàng trang sức ở những quốc gia châu Á là một phần của lễ nghi truyền thống như đám cưới, lễ hội, kỷ niệm…
Ngoài ra, việc lo ngại lạm phát vẫn duy trì ở mức cao và sự mất giá tương đối của đồng nội tệ ở các quốc gia này trong năm 2012 sẽ gia tăng nhu cầu đầu tư an toàn và ít rủi ro như vàng vật chất.
* Chính sách tiền tệ nới lỏng của các NHTW. Sau năm 2011 tương đối thành công trong việc kiềm chế lạm phát, các chính phủ hiện phải đang đối mặt với rủi ro rơi vào suy thoái trong năm 2012. Do đó, việc nới lỏng các chính sách tiền tệ là điều khó tránh khỏi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này.
Chính sách tiền tệ này sẽ ít nhiều làm giảm giá trị của đồng nội tệ, và gián tiếp khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với kỳ vọng lợi suất cao.
Ngoài ra, hầu hết các NHTW vẫn phải tăng cường nắm giữ tài sản dự trữ an toàn như vàng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Với mức dự trữ quá lớn ở các NHTW, việc thực hiện mua hay bán vàng ra thị trường có thể tạo ra biến động lớn cho giá vàng.
* Bất ổn địa chính trị. Những bất ổn ở điểm nóng Iran đã và đang khiến cho tình hình kinh tế toàn cầu thêm rối ren, đặc biệt là nguy cơ giá dầu tăng cao trước những quyết định cấm vận dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ đối với Iran.
Điều này làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ lạm phát bùng nổ, đồng thời làm gia tăng tính hấp dẫn của vàng với vai trò là công cụ chống lạm phát và khủng hoảng.
Ngoài ra, nỗ lực giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn càng làm cho việc nắm giữ vàng vật chất là ưu tiên quan trọng của giới đầu tư.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng những bước tiến vượt bậc để khôi phục niềm tin của giới đầu tư ở khu vực này sẽ ít nhiều làm suy yếu tính hấp dẫn của vàng.
* Yếu tố kỹ thuật. Yếu tố kỹ thuật hiện đóng vai trò rất quan trọng cho quyết định mua hay bán của các quỹ đầu cơ, nhà đầu tư cũng như các NHTW. Do đó, vùng cản tâm lý trong yếu tố này sẽ gây biến động mạnh đến giá cả vàng ở các thời điểm khác nhau.
Tổng hợp những yếu tố tác động ở trên, giá vàng trong năm 2012 được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.
Xu hướng nào giá vàng trong nước năm 2012?
Ngoài những ảnh hưởng tất yếu của xu hướng vàng thế giới, giá vàng trong nước còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác của nền kinh tế.
Mức lạm phát cao đã và đang khiến cho giá trị đồng nội tệ bị mất giá so với đồng tiền của các quốc gia khác, cũng như vàng vật chất. Hơn nữa, tâm lý yêu thích nắm giữ tài sản an toàn như vàng cũng khiến cho nhu cầu hàng hóa này luôn ở mức cao.
Ngoài ra, hoạt động đầu cơ ở thị trường vàng dự báo sẽ tiếp tục tác động đáng kể đến giá vàng trong năm 2012.
Lịch sử cho thấy giá vàng trong nước luôn luôn giữ ở mức giá cao so với giá vàng thế giới; và điều này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2012.
Tuy nhiên, nhờ những chính sách thị trường và hành chính mạnh tay hơn trong năm 2012, mức chênh lệch này được kỳ vọng sẽ không có những biến động quá lớn như năm 2011.
Phân tích kỹ thuật xu hướng giá vàng
Ngắn hạn: Có thể điều chỉnh nhẹ. Hiện tại các chỉ số dao động (momentum) đang duy trì ở mức cao (trong vùng oversold). Chỉ cần giá đi ngang hoặc giảm nhẹ là sẽ xuất hiện những tín hiệu bán mạnh. Điều này cho thấy khả năng điều chỉnh ngắn hạn đang khá lớn...
Chỉ báo MACD cũng đang trong quá trình đi ngang khi đối diện với mức đỉnh của giai đoạn tháng 08/2011 và tháng 11/2011. Tín hiệu bán có thể sẽ xuất hiện trong 3 – 4 phiên tới.
Vì vậy, cần thận trọng với biến động của giá vàng trong ngắn hạn.
Dài hạn: Xu hướng tăng trưởng ổn định. Giá vàng vẫn duy trì bên trên trendline trung hạn và dài hạn. Đây là những ngưỡng chống đỡ mạnh và có thời gian duy trì khá lâu nên độ tin cậy là khá cao.
Mặt khác, giá vàng đã tạo được breakpoint với những MA dài hạn quan trọng như SMA50, SMA 100... nên xu hướng tăng trưởng lại càng được củng cố.
Do đó, nếu xét dưới góc độ dài hạn, những đợt điều chỉnh có thể coi là cơ hội để mua vào để đi theo xu hướng tăng dài hạn.