Biên giới Tây Nam: Nguy cơ trở thành điểm nóng bùng phát dịch Covid-19

(ĐTTCO) - Tuyến biên giới trên bộ Việt Nam - Campuchia dài hơn 1.130 km, bắt đầu từ “Ngã ba Đông Dương” thuộc huyện Ngọc Hồi, Kon Tum, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam đến huyện Hà Tiên, Kiên Giang.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Campuchia, biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam bộ là khu vực có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 cao nhất ở nước ta hiện nay.
Do đó, những ngày này, dù thời tiết rất khắc nghiệt, song lực lượng Biên phòng, Công an các tỉnh Tây Nam bộ đang căng mình bám trụ tại các chốt chặn, kiểm soát chặt biên giới đường bộ, đường sông và đường biển nhằm thiết lập “lá chắn”ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch bệnh bùng phát.
Biên giới Tây Nam: Nguy cơ trở thành điểm nóng bùng phát dịch Covid-19 ảnh 1
Biên giới Tây Nam: Nguy cơ trở thành điểm nóng bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Hải/VOV- ĐBSCL

Tình hình dịch bệnh ở Campuchia và nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam

Trong cả năm 2020 và cho tới tháng 2 năm nay, Campuchia đã phòng chống dịch Covid-19 rất thành công khi là một trong số ít nước có số ca bệnh thấp nhất thế giới và không có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, từ hôm 20/2, chủng virus mới với tốc độ lây nhiễm nhanh đã lan truyền mạnh trong cộng đồng, khiến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Campuchia diễn biến ngày càng phức tạp. Chỉ riêng nửa tháng qua, số ca mắc Covid-19 mới liên tục ghi nhận ở mức 3 con số, trong đó nhiều ngày có trên 500 ca. Đến nay, Campuchia đã ghi nhận hơn 11.000 ca và 79 người tử vong. Trong số những người mắc bệnh có cả bà con gốc Việt và công dân Việt Nam sang làm ăn, du lịch kẹt lại... Các tỉnh Kandal, Svay Rieng, Preh Sihanouk và Thủ đô Phnom Penh là các địa phương tập trung nhiều người gốc Việt (khoảng 80.000 người) cũng là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19.

Số ca mắc COVID-19 tại Campuchia vượt mốc 10.000 người.
Số ca mắc COVID-19 tại Campuchia vượt mốc 10.000 người.

Tuyến biên giới trên bộ Việt Nam - Campuchia dài hơn 1.130 km, bắt đầu từ “Ngã ba Đông Dương” thuộc huyện Ngọc Hồi, Kon Tum, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam đến huyện Hà Tiên, Kiên Giang. Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia còn có chung đường biên giới biển dài hàng trăm km trên vịnh Thái Lan, nơi tàu bè qua lại. Lợi dụng đường biên trải dài và nhu cầu trở về Việt Nam để tránh dịch của một bộ phận không nhỏ người Việt ở Campuchia, các đối tượng trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, tổ chức hàng trăm vụ nhập cảnh trái phép. Đáng chú ý, đã có những trường hợp nhập cảnh trái phép bị phát hiện và được xét nghiệm dương tính với Sars-CoV-2 như 2 trường hợp tại An Giang vào ngày 16/4 vừa qua.

Siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát tuyến biên giới Tây Nam

Trước tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp ở Campuchia, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã đề nghị các tỉnh biên giới Tây Nam cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tuyến biên giới Tây Nam với mục tiêu ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, cách ly, bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng đề nghị các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền tới các gia đình có người thân đang học tập, sinh sống ở Campuchia khi có nhu cầu về nước thì phải nhập cảnh hợp pháp, chủ động thông báo cho cơ quan chức năng người về từ vùng dịch không khai báo.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ. Theo Bộ Y tế, hiện nay có 2 đoàn công tác đang “nằm vùng” tại khu vực Tây Nam bộ để rà soát lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến phòng chống dịch.

Biên giới Tây Nam: Nguy cơ trở thành điểm nóng bùng phát dịch Covid-19 ảnh 3
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc tại TP Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia luôn sát cánh cùng bà con trong đại dịch Covid-19

Để góp phần cùng nỗ lực chống dịch của Chính phủ Campuchia, trong thời gian qua, Đại sứ quán và hai Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville và Battambang đã hết sức nỗ lực phối hợp cùng Tổng hội Khmer Việt Nam và chi nhánh Hội ở các tỉnh, thành phố hỗ trợ và cứu trợ bà con gốc Việt ở những nơi gặp nhiều khó khăn nhất vì dịch bệnh, thông qua kêu gọi sự giúp đỡ và tài trợ nhu yếu phẩm, vật phẩm y tế phòng bệnh, tiền mặt... từ các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, đoàn thể và các nhà hảo tâm ở Việt Nam và Campuchia, để phân phối kịp thời tới tay bà con.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tăng cường tuyên truyền, kêu gọi bà con bình tĩnh, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, yên tâm thực hiện đúng mọi chính sách, quy định và biện pháp phòng chống dịch bệnh của nước sở tại. Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khẳng định rất thông cảm với những khó khăn hiện nay của cộng đồng, đề nghị bà con gốc Việt và công dân Việt Nam không cố gắng di chuyển sang Việt Nam theo các đường dây đưa người trái phép. Hiện các cửa khẩu và đường biên được lực lượng an ninh và biên phòng cả hai nước kiểm soát rất nghiêm ngặt và có hình phạt nghiêm khắc với người vượt biên trái phép, bao gồm phạt tiền và tù giam.

Đại sứ Vũ Quang Minh gặp gỡ bà còn trong đợt đi công tác tại tỉnh Kampong Chhnang.
Đại sứ Vũ Quang Minh gặp gỡ bà còn trong đợt đi công tác tại tỉnh Kampong Chhnang.

Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan của Campuchia và phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để thu xếp việc đăng ký tiêm chủng cho công nhân Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở Campuchia. Cho đến nay, công nhân Việt Nam ở một loạt các doanh nghiệp lớn như các công ty cao su Việt Nam, các công ty viễn thông, y bác sỹ tại bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh... đã được tiêm chủng đợt đầu.

Mới đây, bên lề Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN ngày 24/4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã hội đàm; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong phòng chống dịch Covid-19; phối hợp kiểm soát các tuyến biên giới để hạn chế tình trạng người dân di cư tự do khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Hai Thủ tướng cũng tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Campuchia và cộng đồng người Campuchia tại Việt Nam, kể cả việc xây dựng phương án tiêm phòng vaccine.

Các tin khác