Nhóm ngành nào hưởng lợi nhất?
ĐTC trở thành từ khóa nổi bật trong năm nay, nhất là trên thị trường chứng khoán, nhờ mối liên hệ giữa thúc đẩy ĐTC và tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Có nhiều kỳ vọng về tác động của ĐTC và trên thực tế kế hoạch đầu tư công của Chính phủ cũng được đẩy mạnh rõ rệt trong năm 2023 phần nào chứng minh kỳ vọng trên.
Cụ thể, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội thông qua là 711.684 tỷ đồng. Trong đó, Chính phủ kỳ vọng 95% vốn đầu tư được giải ngân so với kế hoạch trong năm nay.
Theo CTCK Guotai Junan Việt Nam (GTJA), các số liệu về cơ cấu vốn ĐTC theo lĩnh vực giai đoạn 2010-2020 cho thấy ĐTC ở Việt Nam chủ yếu dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải, kho bãi chiếm tỷ trọng lớn nhất (tăng từ mức 18% năm 2010 lên 28% năm 2020).
Trên thực tế, đã có nhiều nỗ lực ở các bộ ban ngành trong việc phân bổ vốn ĐTC. Tuy nhiên, tiến độ chỉ thực sự rõ nét ở một số dự án giao thông trọng điểm. Xét tổng quan, theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ĐTC trong 5 tháng đầu năm ước chỉ đạt 20,8% kế hoạch.
Do vậy, thay vì quan tâm đến tốc độ giải ngân, GTJA cho rằng quy mô ĐTC của Việt Nam trong 3 năm tới dự kiến sẽ giúp các ngành nghề luân chuyển được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư của Nhà nước.
Theo đó, các ngành năng lượng - xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp với tỷ trọng lớn trong cơ cấu phân bổ ĐTC. Trong đó, nhóm năng lượng với Quy hoạch điện VIII và nhóm xây dựng với các kế hoạch phân bổ cho nhóm giao thông vận tải, bao gồm các dự án cao tốc trọng điểm và sân bay quốc tế Long Thành (2021-2026).
Theo số liệu công bố, ngành giao thông vận tải được giao hơn 94.100 tỷ đồng vốn ĐTC, gấp 1,7 lần năm 2022 và là con số lớn nhất từ trước đến nay. Vốn ĐTC của ngành giao thông được giao nhiều nhất dành cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (chiếm 48%). Tiếp theo là các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các dự án ODA và các dự án trọng điểm, cấp bách.
Như vậy, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng hạ tầng hưởng lợi đầu tiên. Thực tế, backlog (hợp đồng xây dựng chuyển tiếp) của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp là khá lớn với tiến độ các dự án trải dài.
Doanh nghiệp chưa thật sự hưởng lợi
Lấy dẫn chứng từ Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG). Đây là doanh nghiệp có khối lượng trúng thầu lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết. VCG hiện sở hữu lượng backlog lớn khoảng 20.000 tỷ đồng nhờ trúng thầu các dự án trên cả nước.
Tuy nhiên, mảng xây lắp ĐTC của VCG lại có biên lợi nhuận mỏng (2-3%) và chịu nhiều biến số như vấn đề về biến động giá vật liệu xây dựng khiến doanh nghiệp có kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm nay.
Cùng ghi nhận khối lượng backlog lớn nhưng CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) lại gặp áp lực vốn trong ngắn hạn khi tham gia vào các dự án đầu tư có quy mô lớn. Trên thực tế, doanh thu trạm thu phí BOT lại chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của HHV (chiếm 70%) và cũng là mảng đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, triển vọng lợi nhuận của HHV sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các dự án đầu tư mà doanh nghiệp này tham gia. Tuy nhiên, cần thời gian dài hơi để HHV có thể hoàn vốn từ các dự án này, đặc biệt giai đoạn 2023-2025 là cao điểm đầu tư của doanh nghiệp.
Mới đây, trả lời thắc mắc của cổ đông về kế hoạch doanh thu 2023 tăng mạnh 83% nhưng lợi nhuận giảm 23% so với 2022, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Lizen (LCG), cho biết doanh nghiệp được chỉ định thực hiện một số gói thầu giai đoạn 2 trong dự án cao tốc Bắc - Nam, nhưng biên lợi nhuận của hoạt động kinh doanh này thấp. Với mức giá chỉ thầu (khác với đấu thầu), nên khi tham gia thầu doanh nghiệp phải cắt giảm 5% theo giá chào thầu nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Song hành cùng các dự án ĐTC hạ tầng giao thông, nhóm vật liệu xây dựng hưởng lợi gián tiếp với nhu cầu lớn về thép, đá, xi măng. Theo đó, các doanh nghiệp lớn nhất ngành hoặc có vị trí gần các dự án trọng điểm (đá, xi măng) sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng ĐTC hiện tại.
Mặc dù vậy, với các doanh nghiệp thép, việc tham gia vào các dự án ĐTC chỉ là cứu cánh cho năm tài chính kém khả quan do bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn đóng băng. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này chỉ có thể bứt phá thực sự khi chu kỳ ngành bất động sản quay trở lại.
ĐTC chỉ là “chất xúc” tác ngắn hạn cho các cổ phiếu nhóm ngành bởi biên lợi nhuận “mỏng” cùng sự khó khăn chung trên thị trường xây dựng, bất động sản và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao vẫn là gánh nặng của doanh nghiệp.