Ngành thép dù qua đáy nhưng kỳ vọng vẫn 'mịt mù'

(ĐTTCO) - Nhóm cổ phiếu thép được đánh giá đã vượt qua vùng đáy nhờ sự hồi phục của giá thép. Thế nhưng, nhà đầu tư vẫn giữ góc nhìn thận trọng với nhóm ngành này, bởi tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu thép đang ở mức thấp.

Các nhà máy sản xuất thép đều giảm công suất vì gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng trong khi giá bán không tăng tương ứng.
Các nhà máy sản xuất thép đều giảm công suất vì gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng trong khi giá bán không tăng tương ứng.

Giảm sản xuất, thanh lý hàng tồn kho

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép thô đã phục hồi một phần từ mức thấp nhất vào cuối năm 2022, nhưng vẫn còn cách xa mức từ tháng 9-2021 đến tháng 5-2022 khi cả sản lượng và tiêu thụ đều thấp hơn khoảng 25% so với cùng kỳ.

Đây có thể là nguyên nhân khiến cho các nhà sản xuất thép thượng nguồn dường như vẫn bi quan, khi tốc độ sản xuất chậm hơn tốc độ tiêu thụ từ tháng 12-2022. Cũng có thể là do các nhà sản xuất này đang điều chỉnh cho lượng sản xuất “thừa” trong khoảng tháng 8 đến tháng 10-2022 khi doanh số đột ngột tụt lại một cách đáng kể.

Đáng báo động là trong khi các nhà sản xuất lớn như TISCO, Hòa Phát (HPG) và Formosa có mức giảm công suất vừa phải, thì nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn đã cắt giảm tới 2/3 sản lượng và bán hàng tồn kho như VNSteel, Vinakyoei hay Pomina (POM).

Nguyên nhân có thể đã gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng trong khi giá bán không tăng tương ứng, nên việc giảm sản xuất trong khi thanh lý hàng tồn kho là hợp lý nhất trong lúc này.

Doanh nghiệp vẫn thận trọng

Theo báo cáo phân tích ngành thép vừa được CTCK Rồng Việt (VDSC) công bố, hầu hết các nhà sản xuất thép thận trọng khi đưa ra kế hoạch sản lượng cho năm 2023. Hiện đã có một số công ty thép công bố kế hoạch cho năm tài chính mới.

Đơn cử là CTCP Đầu tư thương mại (SMC), một trong những nhà thương mại thép lớn nhất thị trường nội địa, đã đưa ra kế hoạch sản lượng hợp nhất năm 2023 là 1 triệu tấn (giảm 30% so với sản lượng thực tế năm 2022) do nhu cầu thép trong nước suy yếu.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với năm tài chính bắt đầu từ tháng 10, đã hoãn ĐHCĐ thường niên khoảng 2 tháng để đánh giá lại định hướng kinh doanh cho năm tài chính 2022-2023. Các tài liệu ĐHCĐ của doanh nghiệp này bao gồm mục tiêu bán hàng được trình bày theo 2 kịch bản, thấp hơn lần lượt là 10% và 16% so với năm tài chính trước.

Với thực tế là sản lượng bán hàng niên độ tài chính 2021-2022 thấp hơn 9% so với cùng kỳ, HĐQT của HSG đã góp phần dẫn dắt “triển vọng” bi quan cho thị trường tôn mạ trong trung hạn, khi tập đoàn này hiện đang chiếm thị phần lớn nhất.

“Anh cả” của ngành là HPG cũng vừa mới đưa ra kế hoạch cho năm 2023 với doanh thu tăng trưởng 6% và lợi nhuận ròng giảm 5%. Mặc dù cần có thêm các giả định về nguyên vật liệu và giá bán để đánh giá kế hoạch kinh doanh này, nhưng VDSC vẫn cho rằng kế hoạch tăng trưởng doanh thu trong năm 2023 là quá lạc quan.

Bởi HPG vẫn chưa vận hành lại tất cả các lò cao, đồng nghĩa với khả năng cao sản lượng năm 2023 của doanh nghiệp có thể sẽ thấp hơn so với cùng kỳ. Mặt khác, khả năng giá thép tăng đáng kể trong năm 2023 cũng không cao. Giá thanh cốt thép trong nước hiện thấp hơn 7% so với cùng kỳ và thấp hơn 17% so với mức đỉnh vào tháng 5-2022. Do đó, khả năng giá tăng cao hơn mức năm ngoái là khá thấp.

CP thép hết sức bật?

Tại ĐHCĐ thường niên 2023 được tổ chức ngày 30-3 vừa qua, Chủ tịch HĐQT HPG Trần Đình Long, cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép có lẽ đã đi qua. Dù vậy, ông Long lại chia sẻ thông tin HPG sẽ chuyển đổi mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác. Theo đó, HPG sẽ đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo. Cùng với đó là tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép chất lượng cao.

Phát biểu của ông Long khiến cho giới đầu tư ngầm hiểu là HPG đang “bế tắc” trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế, sau khi ghi nhận mức lỗ kỷ lục 2.000 tỷ đồng trong quý IV-2022, HPG vẫn tiếp tục ghi nhận lợi nhuận âm trong 2 tháng đầu năm 2023.

Báo cáo mới nhất về mã CP HPG, các chuyên gia phân tích của CTCK VNDirect (VNDS) cũng tỏ ra thận trọng đối với lợi nhuận ròng ngắn hạn của HPG trong quý I. Nguyên nhân là do hiệu suất vận hành nhà máy thấp trong nửa đầu năm 2023 sẽ tác động tới biên lợi nhuận của HPG. Do đó, VNDS dự phóng lợi nhuận ròng của HPG có thể vẫn sẽ âm trong quý I.

Trước đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG cũng hồ hởi công bố thời điểm xấu nhất của ngành thép đã qua đi qua. “Chưa bao giờ, HSG tốt như bây giờ, với những điều kiện căn bản để phát triển trong tương lai. Hiện tại, lợi nhuận mảng tôn cao hơn đối thủ 10% nhờ thương hiệu, lợi nhuận xuất khẩu cao hơn 3-5% so với đối thủ, chi phí khấu hao thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành”- ông Vũ khẳng định.

Tuy nhiên, những phát biểu có phần “phấn khích” trên không thể giúp NĐT có cái nhìn lạc quan hơn với nhóm CP thép. Đây cũng là lý do HPG, HSG không thể bật tăng sau phát biểu “giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã đi qua”.

Nhóm CP thép còn lại như SMC, TLH, POM, HMC… cũng không có nhiều biến động, thậm chí còn sụt giảm như trường hợp của CTCP Thép Nam Kim (NKG) sau tin dữ về kết quả kinh doanh. Mới đây, HoSE có thông báo đưa NKG vào danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Nguyên nhân là lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán năm 2022 là số âm.

Quyết định cắt margin của HoSE đưa ra sau khi doanh nghiệp này ghi nhận lỗ tăng gấp đôi sau kiểm toán. Cụ thể, NKG ghi nhận khoản lỗ sau kiểm toán lên đến 124,7 tỷ đồng, gấp đôi so với mức lỗ 66,7 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.

Giá thép hồi phục mang lại kỳ vọng về bức tranh tài chính sáng sủa hơn của các doanh nghiệp ngành thép. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp thép vẫn đang chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các chủ đầu tư dự án bất động sản thương mại gặp khó khăn dòng tiền và công nợ khó đòi có thể phát sinh.

Các tin khác