Biến tướng cuộc gọi rác và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu người dùng

(ĐTTCO)-Thời gian gần đây, tình trạng các cuộc gọi rác, lừa đảo xuất hiện trở lại với mật độ dày đặc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, cuộc sống của nhiều người. Đáng chú ý là đối tượng đã chuyển sang sử dụng các đầu số ảo với hình thức tinh vi, nguy hiểm hơn.
Ảnh minh họa: Báo Thanh niên.
Ảnh minh họa: Báo Thanh niên.

Cuộc gọi rác, lừa đảo xuất hiện trở lại với mật độ dày đặc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, cuộc sống của nhiều người. Liên quan vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP.HCM.

PV: Hiện nay, tình trạng các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo không dừng lại ở việc sử dụng sim rác mà các đối tượng đã sử dụng các đầu số ảo không rõ nguồn gốc. Chúng ta đã ghi nhận và ứng phó với tình trạng này ra sao?

Bà Võ Thị Trung Trinh: Thực hiện theo kế hoạch của Bộ TT-TT, Sở TT-TT đã triển khai hàng loạt các giải pháp để hạn chế tình trạng sim rác, tuy nhiên bên cạnh đó cần phải đề cập đến các tổng đài ip khi chúng tôi truy ra thì có nguồn gốc từ nước ngoài.

Có nghĩa là cuộc gọi lừa đảo được thực hiện tại Việt Nam nhưng thực tế tổng đài đó được thiết lập ở nước ngoài. Do vậy việc truy tìm nguồn gốc các tổng đài này rất khó khăn và gần như là không tìm được nơi phát tán các cuộc gọi đó.

Tôi cũng nhìn nhận rằng các tin nhắn, cuộc gọi rác đó nó làm phiền người dân nên chúng tôi đang xử lý trên góc độ công nghệ cao hơn để có thể chặn các cuộc gọi ip quấy rầy người dùng, doanh nghiệp.

Chúng tôi xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có những thông tin thiết yếu nhất, ví dụ như cần xử lý ra sao khi nhận được các cuộc gọi như vậy. Bên cạnh đó về mặt kỹ thuật, chúng tôi vẫn phối hợp với Bộ TT-TT và cả lực lượng Công an để xử lý, thậm chí là xử lý hình sự các đối tượng vi phạm. Tuy vậy, cần phải nói rõ rằng tỷ lệ xử lý là không cao.

Ví dụ thời gian qua nếu có theo dõi, người dân cũng thấy lực lượng chức năng phá các vụ án liên quan đến các ứng dụng cho vay tiêu dùng thì thực sự đó hoàn toàn là lĩnh vực công nghệ cao cần có sự phối hợp đồng bộ.

Có nhiều đối tượng cho vay ở các tỉnh khác nhưng công nghệ lại đặt ở TP.HCM và cả những công nghệ đặt tại nước ngoài nhưng hành vi lừa đảo lại diễn ra ở TP.HCM. Từ đây thấy rõ được mặt trái của công nghệ cao, của thế giới phẳng.

PV: Từ tình trạng này, một lần nữa dư luận đặt ra vấn đề về trách nhiệm quản lý dữ liệu người dùng. Phải chăng đang bị bỏ ngỏ, thưa bà?

Bà Võ Thị Trung Trinh: Liên quan đến dữ liệu thì đối với các cơ quan quản lý nhà nước tại TP.HCM thì chúng tôi đã có quy định lưu trữ tại trung tâm dữ liệu dùng chung của thành phố cũng như có quy chế quy định trách nhiệm của người tạo lập dữ liệu cũng như người khai thác sử dụng dữ liệu.

Nhưng xa hơn nữa thì có liên quan đến các đối tượng, cá nhân khác vì phải thông tin nào cũng do cơ quan quản lý nhà nước lưu trữ.

Ví dụ như có nhiều thông tin liên quan đến hoạt động chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp, tổ chức thì doanh nghiệp và tổ chức đó phải tuân thủ theo các quy định hiện hành mà gần đây nhất là Nghị định 13 của Chính phủ liên quan đến việc bảo vệ thông tin cá nhân.

Cần khẳng định dữ liệu là tài sản, dữ liệu trở thành vấn đề rất nhạy cảm của cá nhân do đó mỗi cá nhân cần tự ý thức việc tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Còn với các tổ chức khi thu thập dữ liệu cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm, kể cả trách nhiệm dân sự, hình sự và uy tín của tổ chức mình.

Cần nhớ rằng việc thu thập dữ liệu có những quy định rõ ràng, đầu tiên là phải có sự đồng thuận của bên cung cấp dữ liệu; chỉ được sử dụng trong các hoạt động được pháp luật quy định và được cá nhân, tổ chức đồng ý; phải phù hợp với văn hóa ứng xử trên mạng và phù hợp với các giao dịch hàng ngày trong xã hội.

PV: Vâng xin cám ơn bà!

Các tin khác