Trên tuyến đầu chống dịch các đội ngũ y, bác sĩ, công an, quân đội ở khắp mọi nơi về dồn lực về chiến đấu cùng Bắc Giang. Còn rải khắp các thôn, làng, khu công nghiệp… là đội ngũ các tình nguyện viên.
Dưới đây là câu chuyên về biệt đội tình nguyện phản ứng nhanh ở tâm dịch xã Quang Châu (huyện Việt Yên), nơi có nhiều ca dương tính nhất Bắc Giang.
Nếu ai cũng sợ… bao giờ mới hết dịch!
Mấy tuần qua, mỗi khi nhắc tới địa danh các xã Quang Châu, Vân Trung, Hoàng Ninh, Nội Hoàng... mọi người đều nhận ra đây là vùng dịch Covid-19 ở Bắc Giang. Xã Quang Châu, huyện Việt Yên những ngày qua nóng hơn bao giờ hết, bởi thời tiết ban ngày như thiêu như đốt luôn ở mức 37-39 độ C và hàng trăm ca dương tính trong số công nhân tại địa phương được phát hiện. Tiếng còi xe cứu thương chở các F0 đi điều trị, chở người tới khu cách ly, rồi xe của đội ngũ y tế về lấy mẫu xét nghiệm vang lên suốt ngày đêm, như xé ruột gan mọi người.
Sau khi dịch bùng phát, công nhân bị cách ly, kẹt lại tại các khu xóm trọ chật hẹp, nóng bức ở xã Quang Châu. Do số lượng công nhân, người dân trên địa bàn bị cách ly, phong tỏa quá lớn, thời gian lại gấp gáp nên chính quyền địa phương đã trở tay không kịp. Chỉ riêng việc cung cấp nhu yếu phẩm, đồ dùng hàng ngày cho số công nhân khổng lồ tại xã đã là bài toán vô cùng khó.
Trong cơn khó khăn cấp tính trên, một số người dân bản địa đã quyết định xung phong rời khỏi tổ ấm, đứng ra vận động, kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ. Họ cũng trực tiếp lao vào vùng dịch với tâm thế luôn sẵn sàng chiến đấu. Họ nhận hàng cứu trợ, phát đồ, hỗ trợ, chăm sóc đội ngũ y, bác sỹ không nề hà bất cứ việc gì… Họ lập ra một đội tình nguyện phản ứng nhanh với khoảng 15-16 người, trong đó chị Nguyễn Thị Huyền, 39 tuổi ở thôn Núi Hiểu, Quang Châu được xem như thủ lĩnh.
Khi ra trận rất cả các thành viên trong đội phải trang bị đầy đủ kiến thức phòng chống dịch của Bộ Y tế. Họ cũng mặc những bộ đồ chuẩn của đội ngũ y tế trong công tác chống dịch với kính, mũ, khẩu trang, găng tay, quần áo chùm toàn thân… Đặc biệt chiến đấu trong điểm nóng nhất của đợt dịch Covid-19 tại Bắc Giang nên chị Nguyễn Thị Huyền cho biết mọi người phải thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Cuộc gọi điện thoại, zalo của chúng tôi tới chị Huyền những ngày này bị ngắt quãng liên tục. Thường chỉ tâm sự được vài câu là chị lại xin lỗi hẹn khi khác bởi đang có việc cần giải quyết gấp. Chị cho biết từ sáng đến đêm khuya bản thân mình và các bạn tình nguyện viên ở Quang Châu bận tối mắt, tối mũi.
Dịch ập tới khiến mọi người dân đều lo sợ, ở yên trong nhà. Có cuộc sống ổn định và kinh tế khấm khá, theo lẽ thường chị Huyền và gia đình cứ ở yên trong nhà phòng dịch.
Dù người nhà lo sợ, khuyên ngăn, nhưng chị Huyền vẫn quyết thuyết phục để mình được đứng lên tham gia vào công tác chống dịch. Xã Quang Châu bị chia cắt phong tỏa suốt mấy tuần nay nên đội tình nguyện phản ứng nhanh phải chia 2 vòng chiến đấu. Vòng bên ngoài địa bàn xã, do chị Huyền toàn quyền phụ trách sẽ nhận nhu yếu phẩm của các cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ giúp đỡ. Nhóm các bạn tình nguyện viên trẻ bên trong trực chiến ở thôn Núi Hiểu và các thôn lân cận. Người bên ngoài, kẻ ở trong kết nối với nhau qua zalo, điện thoại, facebook để phối hợp cùng chiến đấu.
Ví dụ như mấy hôm cao điểm dịch vừa rồi, Nhà văn hóa thôn Núi Hiểu, Quang Châu nắng chang chang, nhưng hàng trăm nhân viên y tế vẫn phải về đây lấy mẫu xét nghiệm cho hàng chục nghìn công nhân lẫn người dân bản địa. Công việc quá tải cộng với phải mang bộ trang phục nóng bức, nhiều nhân viên y tế đã kiệt sức, có người ngất ngay tại trận. Khi nhìn thấy cảnh tượng đó từ các bạn tình nguyện viên bên trong truyền ra, chị Huyền bảo rằng mình đã không kìm được nước mắt, trái tim quặn đau, thương xót họ. Để trợ lực thêm cho nhân viên y tế, Chị Huyền đã kêu gọi, vận động được ngay tức khắc hàng trăm thùng nước chanh muối.
Chiến đấu vòng ngoài, chị Huyền có mặt ở mọi điểm nóng. Lúc thì chị và mấy người bạn nhận hàng cứu trợ ở ngay trên Quốc lộ 1A, rồi lại hì hục bốc xếp. Chị Huyền cho biết làm việc quần quật suốt ngày đêm, nhiều khi quên mất khái niệm thời gian. Có khi bữa ăn trưa của mấy thành viên trong đội diễn ra ngay bên vệ con đường làng lúc đã giữa chiều. Còn bữa ăn tối diễn ra vội vàng khi nửa đêm thanh vắng.
Sau khoảng 3 tuần đứng lên cùng chính quyền chống dịch, lo công tác hậu cần để giúp công nhân, người dân địa phương, đến nay chị Huyền cùng đội tình nguyện phản ứng nhanh đã vận động và nhận được hàng chục tấn hàng hóa thiết yếu như: Gạo, mì tôm, rau củ quả, trứng, sữa, nước uống, khẩu trang…
Sau khi phân phát cho tâm dịch Quang Châu, nếu nhận được lượng hàng hòa nhiều, chị Huyền lại trực tiếp vận chuyển đi phân chia cho các xã, thị trấn khác cũng đang nóng bởi dịch bệnh như: Quảng Minh, Hoàng Ninh, Nếnh, Vân Trung, Tăng Tiến ( Việt Yên), Nội Hoàng ( Yên Dũng).
Không để ai bị bỏ lại phía sau
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,
Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”
Câu hát trong bài “Khát vọng tuổi trẻ” thực sự rất đúng trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang rất phức tạp như hiện nay. Những người trẻ cần mạnh mẽ đứng lên, chung tay cùng chống dịch bệnh. Nhóm bạn trẻ như: Hoàng Thị Hiền, Nguyễn Thị Thơ… thuộc thế hệ 9X, trong đội tình nguyện phản ứng nhanh đang chiến đấu ở vòng trong của tâm dịch xã Quang Châu là minh chứng điển hình.
Hiện nay, ở Quang Châu đang trong tình cảnh nhà cách ly với nhà, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã… và dịch bệnh luôn luôn diễn ra hết sức khó lường. Bạn Hoàng Thị Hiền cho biết hiện ở xã Quang Châu có gần 3 vạn công nhân thuê trọ đang phải ở nhà cách ly hoặc nghỉ việc, trong đó riêng thôn Núi Hiểu là gần 1 vạn công nhân. Hiền kể với chúng tôi một thực tế đáng sợ của người dân thôn mình, đó là ở đây 99% các hộ dân đều vay tiền ngân hàng để xây nhà trọ cho công nhân thuê. Dịch bệnh bùng phát công nhân phải nghỉ việc, cách ly, chủ trọ cũng không thể thu tiền như trước được, trong khi vẫn phải trả lãi và tiền gốc cho ngân hàng…
Những công nhân đang bị kẹt lại tại xóm trọ và các hộ dân đều gặp khó khăn đột xuất, cấp tính nên cần phải hỗ trợ nhu yếu phẩm ngay tức khắc để duy trì sự sống. Không để cho ai bị bỏ lại phía sau, và cũng không thể chờ đợi nguồn hàng hỗ trợ chính từ tỉnh, huyện xuống. Chính vì thế, sau khi hàng cứu trợ nhận ở làng chuyển vào bên trong, thì ngay lập tức Hiền, Thơ và nhóm bạn… bắt đầu phân chia thành các xuất quà bằng nhau. Với phương châm phải nhanh, rõ ràng và công bằng nên đội tình nguyện quán triệt có gì chia đó. Lúc thì chia mì tôm, khi lại chia rau củ, sữa bánh…
Để tránh công nhân tập trung đông, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đội tình nguyện phản ứng nhanh vòng trong sẽ thực hiện như sau. Một là gọi đại diện chủ xóm trọ ra Nhà văn hóa của thôn để lấy các xuất đồ, rồi mang về phát đến từng phòng cho công nhân. Hai là nếu dịch căng thẳng đội phản ứng nhanh sẽ mang quà đến tận cửa từng khu xóm trọ để phát.
Công nhân nghỉ vì dịch bệnh, phải cách ly đã rất khó khăn rồi, nhưng với 1 nhóm nhỏ là chị em phụ nữ đang mang bầu, hoặc nuôi em bé thì khó khăn sẽ tăng lên gấp bội. Thấu hiểu điều ấy, nên nhóm tình nguyện phản ứng nhanh đã quyết định tìm nguồn hàng cứu trợ riêng để phát cho những công nhân bầu bì này. Những quả trứng, dây sữa bổ sung vitamin, hộp nước uống tinh khiết… được các bạn tình nguyện viên mang đến tay hàng chục công nhân mang bầu. Nhiều bạn công nhân có bầu cảm thấy vô cùng bất ngờ và xúc động khi nhận được xuất quà thiết thực đầy ý nghĩa trên.
Ngay trong dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6, Hiền cho biết đội tình nguyện phản ứng nhanh cũng đã cố gắng tạo những suất quà gồm sữa, bánh… để tặng đến tay các cháu nhỏ là con em công nhân, người dân trong khu vực đang phải cách ly, phong tỏa.
Những người nghèo gặp khó khăn, nhóm lao động tự do ở địa phương mất việc… cũng được đội xem xét trao tặng các đồ nhu yếu phẩm thiết yếu. Họ chiến đấu, làm việc với tinh thần tương thân, tương ái, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhường cơm, sẻ áo…
Hoàng Thị Hiền chia sẻ với tôi rằng, lúc đầu đội tình nguyện vòng trong có khoảng 30 người, nhưng sau đó tinh gọn còn 15 thành viên thiện chiến nhất. Bản thân mỗi thành viên phải tự xác định mình sẽ gặp những khó khăn, rủi ro cao như thế này. Hiền và các tình nguyện viên cứ 3-4 ngày/lần phải lấy mẫu test nhanh để xét nghiệm Covid19.
Mỗi khi gọi điện về nhà, bố mẹ và người thân nhìn thấy con em mình tiều tụy, lao lực vì công việc chống dịch, thọ chỉ còn biết khóc. Khóc vì thương, vì xót con em mình” - Hiền cho biết. Tất cả tình nguyện viên trong đội đều làm công việc trên vì cái tâm, cái nghĩa, và vì chính quê hương mình. Bởi chỉ có tình yêu và cái tâm trong sáng thì họ mới kiên trì được đến hôm nay, và họ đều quả quyết sẽ chiến đấu đến khi làm hết dịch, cuộc sống trở lại bình thường.
Những người trẻ không sợ hiểm nguy ở tâm dịch xã Quang Châu như chị Huyền, bạn Hiền, Thơ… và nhiều đội, nhóm tình nguyện khác ở khắp Bắc Giang đã và đang viết lên câu chuyện đẹp của sức trẻ nhiệt huyết, tình người cao quý.