NHTM mua TPCP

Biết lỗ nhưng vẫn mua?

Thời gian qua, các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) liên tục thành công và người mua không ai khác chính là các ngân hàng thương mại (NHTM). Điều này khiến mọi người nhớ đến làn sóng mua vào TPCP của các NHTM từ giữa năm 2010. Tuy nhiên, so với thời điểm cách đây 1 năm, sự chênh lệch giữa lãi suất huy động tiền gửi, lãi suất TPCP và lãi suất tái chiết khấu không còn hấp dẫn. Vậy tại sao các NHTM vẫn mua vào TPCP?

Thời gian qua, các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) liên tục thành công và người mua không ai khác chính là các ngân hàng thương mại (NHTM). Điều này khiến mọi người nhớ đến làn sóng mua vào TPCP của các NHTM từ giữa năm 2010. Tuy nhiên, so với thời điểm cách đây 1 năm, sự chênh lệch giữa lãi suất huy động tiền gửi, lãi suất TPCP và lãi suất tái chiết khấu không còn hấp dẫn. Vậy tại sao các NHTM vẫn mua vào TPCP?

Lỗ có tính toán?

Thị trường TPCP xuất hiện tín hiệu tích cực khi liên tục có nhiều phiên đấu thầu thành công với lãi suất trúng thầu giảm dần (bảng 1). Điều này khác hẳn với hoạt động èo uột của thị trường trái phiếu hồi đầu năm.

Bảng 1: Các đợt phát hành TPCP trong tháng 6-2011. Nguồn: HNX

Bảng 1: Các đợt phát hành TPCP trong tháng 6-2011. Nguồn: HNX

Phân tích diễn biến mua vào TPCP của các NHTM vào thời điểm  giữa năm 2010 nhờ sự dư thừa trong thanh khoản của hệ thống ngân hàng (biểu hiện bằng việc lãi suất liên ngân hàng giảm), các NHTM đã có nguồn vốn nhằm khai thác sự chênh lệch lãi suất giữa các thị trường. Còn nếu huy động tiền gửi từ thị trường 1 với lãi suất khoảng 14%/năm và sau đó đi mua TPCP với lãi suất khoảng 11%/năm (lỗ 3%) nhưng dùng lượng trái phiếu này đem tái chiếu khấu NHNN với lãi suất lúc đó 6-7%/năm đã mang lại khoản lợi lớn đến 4-5%.

Như vậy, các NHTM đã lãi ròng từ 1-2%. Các NHTM kiếm lời từ sự chênh lệch lãi suất giữa các thị trường trong bối cảnh hoạt động tín dụng bị thu hẹp, khiến dòng tiền trong nền kinh tế bị ách tắc và chỉ lưu thông giữa NHTM và NHNN mà không đi vào kênh sản xuất.

Từ giữa cuối tháng 5 đến nay, khi tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng liên tục được cải thiện (bảng 2), thị trường TPCP lại trở nên sôi động. Tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng gia tăng do NHNN trong thời gian qua bơm ra lượng tiền đồng để mua vào 2 tỷ USD cho quỹ dự trữ ngoại hối.

Trong khi đó, hoạt động tín dụng của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng khiêm tốn, khoảng 7% so với cuối năm 2010 nên lượng vốn vẫn còn nằm trong các NHTM. Khi nguồn vốn bắt đầu dư thừa, các NHTM đang tìm kiếm con đường tạo ra lợi nhuận. Cũng giống như cách đây 1 năm, khi thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được cải thiện cũng là lúc các đợt đấu thầu TPCP liên tục thành công.

Tuy nhiên, hành động mua vào TPCP của các NHTM hiện nay đang đặt ra nhiều dấu hỏi vì sự chênh lệch lãi suất giữa các thị trường hiện nay không giống như cách đây 1 năm. Hiện các NHTM đang huy động tiền gửi từ thị trường với lãi suất 17-18%/năm, trong khi lãi suất TPCP chỉ dao động từ 12%-13%/năm.

Như vậy, nếu mua TPCP các NHTM sẽ bị lỗ 4-6%/năm, trong khi đó không thể đem tái chiết khấu vì hiện nay lãi suất đã lên đến 13%/năm. Vậy tại sao các NHTM vẫn mua TPCP dù không được lợi gì về mặt kinh tế?

Kỳ vọng tái chiết khấu lãi suất thấp?

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các NHTM đẩy mạnh hoạt động mua vào trái phiếu là do kỳ vọng kinh tế vĩ mô ổn định trong thời gian tới sẽ giúp lãi suất hạ nhiệt. Đây là điều từng xảy ra vào năm 2008. Tuy nhiên, lập luận này chưa thuyết phục bởi khả năng hạ nhiệt lãi suất trong thời gian tới khó có thể nhanh chóng trở thành hiện thực.

Các dự báo của nhiều tổ chức kinh tế cho thấy lạm phát của Việt Nam có thể vẫn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Nếu như lạm phát của Việt Nam trong năm 2011 là khoảng 17-18% so với cuối năm 2010 thì mặt bằng lãi suất vẫn còn được giữ nguyên như hiện nay. Vậy phải chăng các NHTM mua TPCP là do kỳ vọng lãi suất tái chiết khấu sẽ giảm?

Về lý thuyết, để kiềm chế lạm phát, NHNN cần phải duy trì lãi suất tái chiếu khấu cao. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu như thông qua các chính sách, NHNN “chặn” nguồn tiền từ NHTM đến nền kinh tế thì việc hạ lãi suất tái chiết khấu cũng không ảnh hưởng nhiều đến kiềm chế lạm phát, vì dòng tiền lúc này chỉ di chuyển giữa NHNN và NHTM.

Bảng 2: Biểu đồ lãi suất cho vay qua đêm của VNĐ (%/năm). Nguồn: NHNN

Bảng 2: Biểu đồ lãi suất cho vay qua đêm của VNĐ (%/năm). Nguồn: NHNN

Chính sách thắt chặt tiền tệ đang khiến dòng tiền từ NHTM khó chuyển sang nền kinh tế. Mặc dù tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 10-6-2011 chỉ mới tăng 7,05% so với cuối năm 2010 và có vẻ như dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn nhiều so với mục tiêu 20%.

Tuy nhiên, khó có sự đột biến tăng trưởng tín dụng bởi lẽ mấu chốt để mở rộng tín dụng là lãi suất chứ không phải room tín dụng. Khó có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chịu đựng nổi mức lãi suất lên đến 20%/năm nên ngay cả khi dư địa tín dụng còn nhiều, tín dụng trong nền kinh tế khó tăng trưởng. Hơn nữa, những chính sách vừa được ban hành gần đây cho thấy NHNN kiểm soát rất chặt hoạt động tín dụng.

Ngày 20-5-2011 NHNN ban hành thêm văn bản 3976/NHNN-CSTT về kiểm soát hoạt động tín dụng, yêu cầu các NHTM phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng dưới 20% “trong suốt cả năm”. Quy định này nhằm ngăn các NHTM đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong kỳ hạn ngắn và sau đó cuối năm tìm cách giảm về mức 20% như quy định trước đây.

Một lý do khác để cho rằng hoạt động tín dụng trong thời gian tới có thể chưa tăng mạnh là Chỉ thị 01/CT-NHNN, yêu cầu giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất về 22% vào ngày 30-6 và 16% vào cuối năm 2011. Điều này đồng nghĩa các khoản tín dụng cho các kênh bất động sản sẽ bị chặn lại.

Năm 2010, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản đã tăng đến 23,5% so với cuối năm 2009 và chiếm tỷ trọng khoảng 10,4% (PV) trong tổng dư nợ của cả nước. Do đó, việc giảm các khoản cho vay bất động sản sẽ khiến tăng trưởng tín dụng giảm đi đáng kể.

Như vậy, nếu NHNN tiến hành giảm lãi suất trong nền kinh tế bằng việc giảm lãi suất tái chiết khấu chỉ mang lại lợi nhuận cho các NHTM hiện nay đang mua vào TPCP. Vậy, việc tăng mua vào TPCP của các NHTM hiện nay phải chăng đang chờ đợi một chính sách từ NHNN trong việc giảm lãi suất tái chiết khấu?

Các tin khác