BigTech dẫn đầu đà lao dốc; Giá dầu khởi sắc

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Sáu (27/12), dẫn đầu là các cổ phiếu công nghệ, nhưng các chỉ số chính vẫn ghi nhận mức tăng trong tuần này. Trong khi, giá dầu tăng hơn 1%, được thúc đẩy bởi mức giảm lớn hơn dự báo của dự trữ dầu thô Mỹ vào tuần trước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
BigTech dẫn đầu đà lao dốc; Giá dầu khởi sắc

Dow Jones quay đầu giảm hơn 300 điểm

Khép phiên, chỉ số Dow Jones trượt dài 333,59 điểm, tương đương 0,77%, xuống 42.992,21 điểm, đánh dấu phiên giảm đầu tiên trong 6 phiên. Chỉ số S&P 500 sụt 1,11% còn 5.970,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 1,49% xuống 19.722,03 điểm, khi cổ phiếu Tesla bốc hơi 5% và cổ phiếu Nvidia giảm 2%.

Tuy nhiên, Dow Jones vẫn tăng 0,4% trong tuần, đứt mạch 3 tuần giảm liên tiếp. S&P 500 tiến 0,7% trong tuần này sau khi ghi nhận phiên Giáng sinh tốt nhất kể từ năm 1974 vào thứ Ba (24/12), theo Bespoke. Nasdaq Composite thêm gần 0,8% trong tuần này.

Đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tuần này có thể đã gây áp lực lên cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 4 điểm cơ bản vào thứ Sáu lên 4,627% sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2024 trong phiên trước đó.

Một số nhà đầu tư vẫn hy vọng rằng chứng khoán Mỹ sẽ tăng vào năm tới, được thúc đẩy bởi hiện tượng “Santa Claus rally”. Hiện tượng này đề cập đến xu hướng tăng của thị trường trong 5 phiên giao dịch cuối cùng của năm và 2 phiên đầu tiên của tháng 1. Theo LPL Financial, kể từ năm 1950, S&P 500 đã tăng trung bình 1,3% trong giai đoạn này, vượt xa mức trung bình 7 ngày của thị trường là 0,3%.

Tháng 12/2024, Nasdaq Composite đang trên đà ghi nhận mức thêm 2.6%, được thúc đẩy bởi đà leo dốc của cổ phiếu Tesla và Alphabet, cũng như đà tăng của cổ phiếu Apple đưa mức vốn hoá của nhà sản xuất iPhone tiến gần hơn 4 ngàn tỷ USD. S&P 500 đã giảm 1% từ đầu tháng đến nay. Dow Jones hướng đến ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2024, với mức giảm 4,3%.

Dầu tăng hơn 1% khi dự trữ tại Mỹ giảm mạnh

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent thêm 92 xu, tương đương 1,2%, lên 74,17 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 98 xu, tương đương 1,4%, lên 70,60 USD/thùng.

Tuần nầy, cả hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều tăng 1,4%.

Vào thứ Sáu, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 4,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 20/12 khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động và mùa lễ hội đã thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo giảm 1,9 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters, cũng như dự báo giảm 3,2 triệu thùng từ Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố trước đó.

Sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng làm dấy lên hy vọng về nhu cầu cao hơn trong năm tới từ quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu này.

Theo đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 và năm 2025. Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã đồng ý phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá 3 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 411 tỷ USD) vào năm tới, Reuters đưa tin trong tuần này, khi Bắc Kinh hành động để phục hồi nền kinh tế trì trệ.

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine dường như đang trở lại vị trí hàng đầu sau nhiều sự kiện trong tuần này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu vào năm tới.

Cụ thể, NATO cho biết vào ngày thứ Sáu sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Baltic, một ngày sau khi Phần Lan bắt giữ một tàu chờ đầu của Nga vì nghi ngờ gây ra sự cố mất điện và internet. Trong khi đó, giá khí đốt bán sỉ của Hà Lan và Anh tăng vọt trong bối cảnh hy vọng mờ nhạt về một thoả thuận mới để vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.

Căng thẳng cũng bùng phát ở Trung Đông, trong đó rủi ro lớn nhất ở Trung Đông là việc thực thi lệnh trừng phạt có thể xảy ra khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ sắp tới.

Các tin khác