Ngày 26-6, Sở TN-MT tỉnh Bình Định cho biết, địa phương này đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án Hàng hải (Bộ GTVT) về ý kiến đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT.
Sơ đồ vị trí nạo vét dự thảo. Nguồn: Bộ TN-MT |
Theo UBND tỉnh Bình Định, dự án trên đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định 1501/QĐ-BGTVT ngày 13-8-2021, điều chỉnh tại quyết định 299/QĐ-BGTVT vào ngày 22-3-2023 giao Ban Quản lý dự án Hàng hải làm chủ đầu tư. Trong đó, chiều dài tuyến luồng cần nạo vét, cải tạo 7.030m, rộng 140m, cao độ đáy luồng - 13m và khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 3,8 triệu m³.
Về vị trí đổ thải, UBND tỉnh này thống nhất việc Ban Quản lý dự án Hàng hải thực hiện đổ thải vật chất nạo vét theo phương án nhận chìm khoảng 100ha ở khu vực nằm ngoài vùng biển 6 hải lý từ đường mép nước biển thấp nhất (khu vực biển cách bờ 6 hải lý).
Dự kiến vị trí nhận chìm vật chất nạo vét theo hồ sơ tham vấn đánh giá tác động môi trường dự án. Nguồn: Bộ TN-MT |
Ý kiến của UBND tỉnh Bình Định cơ bản thống nhất với báo cáo tác động môi trường của Ban Quản lý dự án Hàng hải. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định cho rằng quá trình thi công nạo vét, vận chuyển vật chất nạo vét và hoạt động nhận chìm ở vùng biển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản, du lịch biển nhất là sinh thái biển.
Vì vậy, Bình Định đề nghị rà soát, bổ sung tác động môi trường của dự án đến khu vực quy hoạch bảo tồn biển của tỉnh này.
Về hoạt động nạo vét, đề nghị chủ đầu tư cần khảo sát, xác định cụ thể các đối tượng có nguy cơ ảnh hưởng bởi hoạt động nạo vét, lưu ý khu vực nuôi trồng thủy hải sản của bà con làng chài Hải Minh (TP Quy Nhơn) và bãi tắm du lịch TP Quy Nhơn cách luồng Quy Nhơn 2km để đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động và cam kết bồi thường nếu có thiệt hại.
Quá trình nạo vét ở cao độ đáy luồng -11m đến -13m có nguy cơ gây sạt lở ven bờ, nhất là khu vực các cảng biển và kè Mũi Tấn cần đánh giá cụ thể nguy cơ sạt lở và đưa ra giải pháp giảm thiểu; cần có phương án điều tiết giao thông tàu thuyền thủy ra vào cảng trong quá trình thực hiện dự án, tránh nguy cơ tai nạn.
Về nhận chìm vật chất nạo vét, UBND tỉnh Bình Định đề nghị bổ sung kết quả khảo sát hiện trạng hệ sinh vật đáy như rạn san hô, thảm cỏ biển,… tại khu vực nhận chìm và các khu vực xung quanh. Qua đó, đánh giá tác động đến sinh vật tầng đáy do hoạt động nhận chìm vật chất nạo vét để có giải pháp giảm thiểu tối đa tác động…
Vùng biển vịnh Quy Nhơn đang có tiềm năng sinh thái biển và du lịch biển rất tốt. Ảnh: DŨNG NHÂN |
Khu vực nhận chìm vật chất ở vùng biển sâu chịu tác động sóng lừng, nên vật chất nhận chìm có khả năng phát tán rộng, nhất là thời điểm tháng 10 đến tháng 12 có gió Đông Bắc và trong mùa mưa bão Nam Trung bộ. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị chủ đầu tư cần tổ chức đánh giá kỹ khả năng phát tán vật chất ô nhiễm trong các thời điểm để có giải pháp cụ thể.
Theo dự thảo hồ sơ tham vấn tác động môi trường của chủ đầu tư, khu vực biển sử dụng để nhận chìm vật chất nạo vét đã được UBND tỉnh Bình Định thống nhất, nằm cách phao số 0 luồng Quy Nhơn 15,6km, cách bãi Hòn Khô khoảng 11,4km, cách đảo Cù Lao Xanh 11,7km, cách bãi biển Kỳ Con 18km.
Công nghệ vận chuyển và nhận chìm vật chất nạo vét dự án được tiến hành bằng tàu hút bụng và sà lan mở đáy tự hành. Toàn bộ phạm vi 100ha khu vực biển nhận chìm được chia ra thành nhiều khu vực nhỏ (có ô lưới). Chất nạo vét sẽ được nhận chìm rải đều trên toàn bộ diện tích từng ô lưới. Mỗi khu vực nhỏ được xác định một điểm tâm của khu vực, các tàu đến điểm tâm sẽ mở cửa xả để nhận chìm vật chất nạo vét, trong thời gian từ 1-3 phút.
Dự kiến, dự án có vốn trên 694 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước.