Bình Dương: Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông

(ĐTTCO) - Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn Bình Dương được đẩy nhanh tiến độ, trở thành động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Bình Dương: Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông

Đến nay, nhiều dự án đang từng bước hoàn thành, không chỉ tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng toàn tỉnh, mà còn có vai trò quan trọng trong kết nối vùng.

Triển khai đồng loạt nhiều dự án

Chưa bao giờ tỉnh Bình Dương cùng lúc triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn như thời gian qua, từ các tuyến đường nội tỉnh đến các tuyến kết với TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh và xa hơn là toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nguyên.

Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến giao thông huyết mạch bậc nhất là quốc lộ 13, đang ở giai đoạn thi công các hạng mục quan trọng như thoát nước, trải nhựa, di dời hệ thống điện lưới, sớm đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Ngay từ năm 2022, UBND TP Thuận An đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo đồng thuận trong nhân dân để thực hiện giải ngân tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hoàn thành đúng tiến độ đề ra, tạo tiền đề cho triển khai thi công các hạng mục của dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13.

Theo thiết kế, quốc lộ 13 sẽ được mở rộng thêm 2 làn xe về bên phải, hướng từ TPHCM đi Bình Dương lên quy mô 8 làn xe, nền đường rộng 40,5m. Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng, tiếp tục được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Tương tự, dự án mở rộng đường Thống Nhất hay còn gọi là trục đại lộ Đông - Tây mới, thuộc địa phận phường Đông Hòa, TP Dĩ An với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, cũng được xem là hạng mục có vai trò quan trọng nhất trong kết nối các địa bàn phía Nam tỉnh Bình Dương với TP Thủ Đức (TPHCM), nhất là Bến xe miền Đông mới và khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM. Hay như dự án đường Vành đai 3 - TPHCM, đã động thổ xây dựng nút giao Bình Chuẩn (TP Thuận An), với kinh phí xây dựng khoảng hơn 570 tỷ đồng.

3 gói thầu còn lại của đường Vành đai 3 - TPHCM qua tỉnh Bình Dương sẽ được gấp rút giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các thủ tục để thi công trong thời gian tới: cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn (nối Bình Dương và TPHCM) dài 1,3km; nút giao Tân Vạn (giao xa lộ Hà Nội và Vành đai 3 - TPHCM) dài hơn 2,3km và đoạn đường từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn dài hơn 6,2km.

Đường DH 411 qua huyện Bắc Tân Uyên được đầu tư hiện đại từ nguồn ngân sách tỉnh. Ảnh: VĂN PHONG

Với việc khẩn trương triển khai các dự án hạ tầng giao thông nói trên thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh Bình Dương trong đẩy mạnh xây dựng mạng lưới giao thông hiện đại, kết nối đồng bộ với các tỉnh, thành trong toàn vùng.

Chú trọng công tác giải phóng mặt bằng

Trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện nhiều khó khăn phát sinh ở một số công trình mà khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án. Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là gần 521 tỷ đồng, tính đến ngày 11-8 giá trị giải ngân hơn 460 tỷ đồng, đạt 88,3% kế hoạch. Kế hoạch vốn năm 2023 được giao là 21.793 tỷ đồng, nhưng giá trị giải ngân mới được 8.601 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch tỉnh giao.

Các nguyên nhân được Sở KH-ĐT chỉ ra là do một số quy định pháp luật chưa đồng bộ; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc chưa được xử lý căn cơ, dứt điểm như công tác giải phóng mặt bằng, năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán.

Để tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa các dự án hạ tầng giao thông vào sử dụng, UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố và ngành chức năng chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, di dời hệ thống hạ tầng lưới điện (đối với dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng), đường Vành đai 3, 4 TPHCM.

Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương, để giải quyết căn cơ các khó khăn, vướng mắc trong phân bổ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, các đơn vị cần tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và thực hiện các dự án trọng điểm, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương; đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong triển khai kế hoạch đầu tư công.

Đồng thời tiếp tục kiến nghị các bộ ngành trung ương hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong di dời hạ tầng kỹ thuật và định mức, chi phí trong thẩm định dự toán chuẩn bị đầu tư, chủ trương đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng.

Tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình (TP Dĩ An). Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình dài 52,2km đi qua huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, TP Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An gồm 6 ga: An Bình, Bình Chuẩn, Bình Dương, Chánh Lưu, Tân Hưng, Bàu Bàng và 4 trạm khách: Tân Bình, An Phú, Tân Vĩnh Hiệp, Hòa Lợi.

Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 12.000 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 23.000 tỷ đồng; dự kiến khởi công trong quý 2-2027 và hoàn thành vào năm 2030.

Các tin khác