Bình Thuận: Khu du lịch sinh thái tự phát tiềm ẩn rủi ro

(ĐTCTO) - Thời gian qua, nắm bắt nhu cầu vui chơi, trải nghiệm của du khách, tại nhiều nơi của tỉnh Bình Thuận xuất hiện tình trạng người dân đua nhau xây dựng các khu du lịch sinh thái không phép trên đất nông nghiệp. 

Thậm chí, nhiều điểm du lịch còn ngang nhiên lấn sông, suối, hồ… rồi mở các dịch vụ ăn uống, lưu trú, thể thao dưới nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Khu du lịch sinh thái tự phát Tiến Đạt (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) xây dựng nhiều công trình không phép

Cách TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) khoảng 20km, khu sinh thái nhà vườn Tiến Đạt (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc) từng nhiều lần bị chính quyền địa phương “tuýt còi” vì ngang nhiên xây dựng nhiều homestay, công trình xâm phạm nghiêm trọng đến lòng sông Cái, ngăn cản việc thoát lũ. Vậy nhưng, hiện điểm du lịch này tiếp tục hoạt động trở lại, thậm chí chủ cơ sở còn mở hàng loạt dịch vụ vui chơi mạo hiểm để hút khách.

Có mặt tại điểm du lịch này, phóng viên chứng kiến khu sinh thái ngang nhiên bày các bàn ăn uống ra giữa lòng sông để cho du khách ăn nhậu; không chỉ vậy, các hoạt động chèo sup, tắm sông… được mở ra để phục vụ khách dù không có bất kỳ giấy phép nào.

Tại đây, du khách có nhu cầu nghỉ qua đêm, ngoài homestay, chủ cơ sở còn dựng lều ngay bên mép sông để đáp ứng. “Đang vào thời điểm mùa mưa nên nước trên sông Cái chảy xiết, nhưng chủ khu sinh thái vẫn để khách tự do tắm sông, chèo thuyền, ăn nhậu trên dòng nước là quá nguy hiểm”, ông Lê Thái Tịnh (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc), chia sẻ.

Xuôi về huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), hàng loạt điểm du lịch sinh thái tự phát tương tự xuất hiện trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý. Trong đó, điểm du lịch có tên Đami Farm (xã La Ngâu, huyện Tánh Linh) vô tư xây dựng nhiều công trình không phép để đón khách. Chủ cơ sở lắp đặt hệ thống phao nổi ngay trên mặt hồ Đa Mi để du khách tham gia các trò chơi dưới nước.

Không chỉ vậy, các dịch vụ chèo sup, đu dây qua hồ dù chưa được cấp phép cũng đang hoạt động rầm rộ tại đây.

Cũng tại huyện Tánh Linh, điểm du lịch sinh thái La Ngâu Rock Stream xây dựng các công trình homestay, nhà hàng… không phép trên diện tích đất nông nghiệp rộng hàng ngàn mét vuông để kinh doanh du lịch.

Điều đáng nói, chủ cơ sở này tận dụng dòng suối La Ngâu để phát triển các trò chơi dưới nước như chèo thuyền, dựng phao nổi… Người dân địa phương cho biết, suối La Ngâu lũ về rất nhanh và bất chợt nên việc kinh doanh các dịch vụ dưới dòng suối tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, nhất là đang vào mùa mưa bão. Thời gian qua, tại các điểm du lịch tự phát ở huyện Tánh Linh đã xảy ra 2 vụ đuối nước làm 2 người tử vong.

Chủ tịch UBND xã La Ngâu Đặng Công Khanh thừa nhận, thời gian qua, mặc dù chính quyền các cấp đã tăng cường công tác quản lý nhưng vẫn còn diễn ra tình trạng người dân trong và ngoài địa phương đến các điểm vui chơi tự phát ven sông, suối để cắm trại, ăn uống, vui chơi.

“Để phát triển du lịch cộng đồng đi vào nề nếp, góp phần phát triển kinh tế địa phương, xã đã có nhiều kiến nghị gửi các cấp liên quan để ban hành cơ chế quản lý phù hợp. Tuy nhiên, đến nay do chưa có văn bản hướng dẫn nên việc phát triển du lịch tại địa phương vẫn đang phát triển tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Đặng Công Khanh cho biết.

Các tin khác