Trong đó, vấn đề an toàn và chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi trở lại trường học được phụ huynh quan tâm hàng đầu.
Cô Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trường Tiểu học Lam Sơn (quận Bình Thạnh) trong một tiết học trực tiếp trong năm học 2019-2020
Phụ huynh lẫn nhà trường: thận trọng
Thời điểm hiện tại, tâm lý phụ huynh đã có nhiều chuyển biến so với đợt khảo sát đầu tháng 12. Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh cho biết, trước đây hơn 90% phụ huynh lớp 1 không đồng ý cho con trở lại trường do muốn chờ kết quả thí điểm ở các bậc học lớn hơn. Sau 2 tuần nghe ngóng tình hình, phụ huynh bắt đầu thay đổi suy nghĩ, quan tâm nhiều hơn đến các phương án tổ chức đi học an toàn.
Chị Ngọc Minh, phụ huynh có 2 con đang học Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (quận Gò Vấp), bày tỏ: “Tôi có 2 con đang học lớp 1 và lớp 4. Bé lớp 4 sau gần một học kỳ học trực tuyến, hiện rất muốn trở lại trường học để được tương tác trực tiếp với thầy cô và bạn bè. Bé nhỏ học lớp 1 dù cũng học trực tuyến đều đặn nhưng chữ viết chỉ đảm bảo yêu cầu “đúng” chứ không đẹp, cần được cô rèn trực tiếp tại trường”.
Riêng với bậc mầm non, nhiều phụ huynh cho biết, khá “đuối” sau hơn 7 tháng phải sắp xếp công việc để trông con tại nhà. Bản thân các bé cũng mong sớm trở lại trường học để được vui chơi với bạn bè.
Về phía trường học, ThS. Nguyễn Thùy Liên, giảng viên đại học, đồng sáng lập Học viện Đào tạo trực tuyến Self Hiil, đánh giá, trải qua nhiều đợt dịch bệnh, hiện nay các trường đều đặt yêu cầu an toàn cho học sinh lên ưu tiên hàng đầu. “Tôi nghĩ các con không thể ở nhà mãi được, đặc biệt trẻ ở lứa tuổi nhỏ như mầm non và tiểu học. Bởi đây là giai đoạn các con cần phát triển kỹ năng và cảm xúc cá nhân, nhưng không phải gia đình nào cũng có đông anh chị em, hoặc bố mẹ thu xếp công việc ở nhà chơi với con được. Trẻ mất đi cơ hội giao tiếp sẽ không có kỹ năng làm việc nhóm, chia sẻ đồ chơi, phát triển ngôn ngữ…”.
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Phạm Trần Kim Chi cho rằng, phụ huynh đang đứng trước hai lựa chọn là sức khỏe và giai đoạn vàng phát triển kỹ năng của con. Nhiều người quan niệm, sức khỏe là quan trọng, việc học có thể chậm lại 1-2 năm cũng không sao. Trên thực tế, trẻ ở nhà thì bố mẹ vẫn đi làm, bản thân trẻ cũng tiếp xúc với những người thân khác nên nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có từ gia đình. Nếu trường học thực hiện tốt các yêu cầu an toàn thì phụ huynh không nên quá lo lắng mà cần phối hợp với nhà trường trong việc đảm bảo an toàn cho các em. Chuyên gia này phân tích, giáo dục ở trường học có chương trình thiết kế phù hợp từng độ tuổi, trong đó vai trò người dạy, người học được thiết lập rõ ràng. Đây là những yếu tố không có được khi trẻ ở nhà. “Trẻ đến trường để được kết nối, tương tác với nhau, qua đó hình thành thói quen và kỹ năng chứ không chỉ tiếp thu kiến thức”, chuyên gia này bày tỏ.
Chuẩn bị tâm thế trước khi trở lại trường
Bác sĩ Phan Thị Lan Viên, Trung tâm Nghiên cứu cải tiến y tế TPHCM, cho biết, kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hầu hết phụ huynh đều tự tin cho rằng mình rửa tay và đeo khẩu trang đúng cách, nhưng thực tế không như vậy. Nhiều người duy trì thói quen rửa tay thường xuyên nhưng không đủ thời gian và đầy đủ 6 bước nên không hiệu quả. Vì vậy, trước khi hướng dẫn con, phụ huynh cần rà soát lại các kỹ năng an toàn của mình, sau đó mới có kế hoạch hướng dẫn con phù hợp. Với đặc thù tâm sinh lý trẻ ở độ tuổi mầm non và tiểu học, luyện tập một kỹ năng không chỉ theo ngày mà phải lập đi lập lại nhiều lần trong cả năm học để hình thành thói quen cho trẻ. Ngoài việc trang bị kỹ năng an toàn cho trẻ, phụ huynh còn cần trang bị kiến thức đúng về dịch bệnh, không nên lo lắng thái quá vì sẽ ảnh hưởng tâm lý và thái độ tiếp nhận của trẻ, cần tạo tâm thế tích cực cho trẻ khi trở lại trường.
Thêm vào đó, theo giảng viên đại học Nguyễn Thùy Liên, trẻ đi học lại sau thời gian ở nhà khá lâu dễ bị sốc về tâm lý do thay đổi môi trường sinh hoạt, trở nên nhút nhát, sợ giao tiếp với người lạ. Để giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập, bố mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện, duy trì thói quen ăn ngủ đúng giờ trong thời gian trẻ còn ở nhà.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam nhìn nhận, trẻ ở lứa tuổi mầm non chịu nhiều thiệt thòi hơn so với học sinh ở các bậc học khác do hạn chế về tiếp cận các phương pháp dạy học trực tuyến. Hiện nay, các trường đang duy trì hình thức dạy học gián tiếp, giáo viên quay video clip hướng dẫn các bài tập về kỹ năng gửi cho phụ huynh mở cho trẻ xem và luyện tập tại nhà. Tuy nhiên, về lâu dài trẻ cần được tạo môi trường tương tác để hoàn thiện các kỹ năng, tạo tiền đề phát triển ở các bậc học khác.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh vừa ký công văn gửi các sở GD-ĐT tỉnh, thành phố về đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non. Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Khu vực nào kiểm soát được dịch Covid-19 cần chủ động báo cáo cấp quản lý để học sinh được trở lại trường học. |