(ĐTTCO) - Đi đúng hướng trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhưng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) lại chưa thể khiến cổ đông vững tâm bởi các hoạt đầu tư tài chính không mang lại hiệu quả như mong đợi
Vị thế đầu ngành
BMI được thành lập năm 1994, cổ phần hóa năm 2004, bắt đầu niêm yết trên sàn HNX vào năm 2006 và chuyển sang niêm yết trên HOSE từ năm 2008. Với vốn điều lệ 755 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất của BMI là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 50,7% cổ phần. Trong 2015, SCIC đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi BMI nhưng chưa có kế hoạch cụ thể. Thực ra SCIC thoái vốn sẽ mang lại cơ hội lớn cho BMI, bởi định hướng của các NĐTNN có nguyện vọng tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam hoặc gia tăng tính ảnh hưởng lên thị trường bảo hiểm.
Cách đây 3 năm, đối tác chiến lược của BMI là Tập đoàn AXA SA (Pháp), đã bày tỏ nguyện vọng nâng tỷ lệ sở hữu lên để nắm quyền kiểm soát BMI, nhưng chưa thực hiện được do tỷ lệ nắm giữ của SCIC quá lớn. Theo số liệu của Forbes, Tập đoàn AXA SA là công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới theo giá trị tổng tài sản và là tập đoàn có giá trị doanh thu phí bảo hiểm lớn thứ 2 thế giới. Tập đoàn này hoạt động ở 56 quốc gia trên thế giới và đầu tư vào Bảo Minh với tỷ lệ sở hữu 16,7% từ năm 2007. Mặc dù tỷ lệ nắm giữ không quá lớn nhưng sự hậu thuẫn của tập đoàn hàng đầu thế giới này chính là nền tảng cho các thay đổi tích cực của BMI trong công tác quản trị rủi ro, quản lý nhân sự và công nghệ. Ngoài 2 cổ đông lớn này, các khách hàng của BMI như Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Vinaconex và Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, mỗi công ty sở hữu hơn 1% cổ phần của BMI.
Hiệu quả đầu tư thấp
Hoạt động của BMI có 2 nguồn thu chính gồm hoạt động bảo hiểm và hoạt động đầu tư. Trung bình giai đoạn 2013-2015, hoạt động bảo hiểm mang về 92,2% tổng doanh thu và 39,4% lợi nhuận trước thuế. Mức đóng góp của hoạt động bảo hiểm trong lợi nhuận trước thuế của BMI cao hơn hẳn so với mức trung bình 10% của thị trường, do doanh nghiệp duy trì được mức lợi nhuận tốt cho nghiệp vụ bảo hiểm, nhưng ngược lại hoạt động đầu tư không mấy hiệu quả trong những năm qua. Có được kết quả này do BMI chủ động đặt mục tiêu phát triển bền vững và tập trung quản lý rủi ro mà không chú trọng vào việc tăng trưởng nóng và mở rộng thị phần. Xét về nghiệp vụ bảo hiểm, đây là định hướng đúng đắn giúp cải thiện tỷ lệ bồi thường của BMI, giảm mạnh từ mức trên 60% giai đoạn 2008-2009 về mức xấp xỉ 40% hiện nay.
![]() |
Thông thường các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng nguồn tiền thu về từ hoạt động bảo hiểm và từ vốn chủ sở hữu đầu tư sinh lời theo 2 cách chính: gởi ngân hàng và mua CP trên TTCK. Nếu như các khoản tiền gởi ngân hàng mang lại lợi nhuận ổn định, thì các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của BMI đã không thể mang lại lợi nhuận như kỳ vọng, thậm chí rơi vào tình trạng thua lỗ. Danh mục đầu tư ngắn hạn của BMI được đánh giá kém hiệu quả, bởi việc lựa chọn thời điểm đầu tư không hiệu quả đã gây ra chi phí trích lập dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn lớn. Cụ thể, cuối năm 2015, BMI phải trích lập dự phòng 23 tỷ đồng trên giá gốc 59 tỷ đồng. Khoản đầu tư có giá trị lớn nhất là CTCP Vận tải Biển Bắc (NOS) trị giá 20 tỷ đồng nhưng phải trích lập dự phòng về mức 1,2 tỷ đồng (giá gốc 20 tỷ đồng trong khi giá thị trường chỉ còn 1,2 tỷ đồng).
Theo BCTC năm 2015, ngoài khoản đầu tư thua lỗ tại NOS, BMI đã phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư ngắn hạn vào các doanh nghiệp như: CTCP CNG Việt Nam (CNG), TCTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM), CTCP Tập đoàn FPT (FPT), CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), TCTCP Tư vấn thiết kế dầu khí. Đặc biệt, BMI cũng thua lỗ khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Cuối năm 2014, tổng giá trị trái phiếu trong danh mục đầu tư dài hạn của BMI là 221 tỷ đồng, trong đó có khoản dự phòng giảm giá 55 tỷ đồng cho trái phiếu của Vinashin và trái phiếu của Công ty Sông Đà Thăng Long. Cuối năm 2015, các khoản dự phòng này đã được xử lý và loại khỏi bảng cân đối kế toán, tổng giá trị trái phiếu đầu tư của BMI chỉ còn 140 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do cơ cấu đầu tư của BMI khá ổn định và theo đuổi định hướng đầu tư thận trọng. Giai đoạn 2013-2015, tỷ trọng tiền gửi trong cơ cấu đầu tư tăng mạnh từ mức trung bình ngành (71%) lên mức 78%. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư vào CP của BMI chỉ chiếm 3,5% tổng giá trị đầu tư (thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ngành là 10%), nên không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh doanh chính của BMI.