BNP Paribas nộp phạt 9 tỷ USD

Ngân hàng lớn nhất nước Pháp BNP Paribas vừa đồng ý nộp khoản tiền phạt kỷ lục 9 tỷ USD để hòa giải với các công tố viên Hoa Kỳ về những cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận.

Ngân hàng lớn nhất nước Pháp BNP Paribas vừa đồng ý nộp khoản tiền phạt kỷ lục 9 tỷ USD để hòa giải với các công tố viên Hoa Kỳ về những cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận.

Trong thỏa thuận, BNP Paribas sẽ phải nhận tội đối với 2 cáo buộc hình sự về việc vi phạm lệnh cấm vận thương mại với Sudan, Iran và Cuba. Ngân hàng cũng không được thanh toán bù trừ giao dịch nhất định bằng USD trong vòng 1 năm kể từ đầu năm 2015.

Đây là con số phạt lớn nhất cho mức án tương tự trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ. Tổng số tiền phạt 9 tỷ USD ngang ngửa với doanh thu của ngân hàng này trong cả năm 2013. “Từ năm 2004-2012, BNP tham gia vào một chương trình phức tạp và rộng khắp để chuyển trái phép hàng tỷ USD thông qua hệ thống tài chính Hoa Kỳ” - Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Eric Holder cho biết trong một cuộc họp báo.

“Bằng việc đó, ngân hàng đã cố tình và nhiều lần vi phạm các lệnh trừng phạt có từ lâu của Hoa Kỳ”. Ông Holder hy vọng thỏa thuận sẽ là lời cảnh báo cho những công ty đang làm ăn với Hoa Kỳ rằng “những hành vi phi pháp tuyệt đối không được tha thứ”. Thỏa thuận cũng yêu cầu BNP sa thải và không được thuê lại 13 cá nhân có liên quan trong việc giao dịch trái phép.

BNP cho biết như là một kết quả của khoản phạt, ngân hàng sẽ chịu một "phí đặc biệt" 5,8 tỷ EUR trong quý II năm nay. Số tiền này vượt con số 1,1 tỷ EUR ngân hàng đã dự phòng để trang trải chi phí kiện tụng ở Hoa Kỳ. CEO BNP Jean Laurent Bonnafe tuyên bố rằng vụ kiện tuy sẽ là một cú giáng về mặt tài chính đối với ngân hàng BNP, nhưng sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động giao dịch của ngân hàng này.

Ông Bonnafe cho biết giải quyết vụ việc là “một bước tiến quan trọng” của ngân hàng. “Chúng tôi rất hối tiếc vì những vi phạm trong quá khứ đã dẫn đến thỏa thuận này” - ông nói. Trong một cuộc họp báo sáng 1-7, ông Bonnafe cho biết vì đã bị cấm thanh toán bù trừ (chuyển đổi các khoản thanh toán ngoại tệ sang USD), BNP sẽ nhờ một bên thứ ba để thực hiện các giao dịch.

Điều này sẽ cần thời gian và ngân hàng đã được gia hạn 6 tháng để chuẩn bị. Ông nói thêm thỏa thuận đã giúp BNP Paribas có thể giữ giấy phép hoạt động ở Hoa Kỳ. Bất chấp khoản tiền phạt kỷ lục, BNP dự kiến sẽ đạt được những "kết quả vững chắc" trong quý II năm nay. Cổ phiếu BNP tăng hơn 3% trong phiên giao dịch khi mức phạt được công bố.

Cơ quan giám sát tài chính Thụy Sĩ FINMA cũng tuyên bố đã khép lại việc điều tra những hoạt động của BNP Paribas ở nước này, theo sau quyết định của ngành tư pháp Hoa Kỳ. Trong một thông cáo, FINMA nói BNP Paribas đã "liên tục vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình trong việc xác định, giới hạn và giám sát những rủi ro vốn có" liên quan đến các giao dịch nước ngoài.

Pháp trước đó đã gây áp lực với Hoa Kỳ về quy mô khoản tiền phạt. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói rằng khoản phạt lớn như đề nghị của Hoa Kỳ sẽ là “một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, một quyết định không công bằng, đơn phương và không hợp lý”.

BNP suýt phải ngưng hoạt động ở Hoa Kỳ.

BNP suýt phải ngưng hoạt động ở Hoa Kỳ.

Các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ gần đây đã tăng cường hành động đối với các ngân hàng vi phạm luật chống rửa tiền và trốn thuế cùng với các vi phạm khác. Hồi đầu tháng 5, Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ đã đồng ý nộp phạt 2,6 tỷ USD và thừa nhận hành vi sai trái trong việc giúp người Hoa Kỳ gian lận thuế.

Năm 2012, Ngân hàng Standard Chartered có trụ sở ở Anh đã nộp phạt tổng cộng 674 triệu USD cho các nhà chức trách Hoa Kỳ vì che giấu bất hợp pháp những giao dịch chuyển tiền với Iran và những nước khác có tên trong lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Trước vụ của BNP, khoản phạt lớn nhất với một ngân hàng vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ là 1,9 tỷ USD đối với HSBC năm 2012.

 (Theo BBC)

Các tin khác