Song song với đó là phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để điều tiết cung cầu kịp thời... tại cuộc họp trực tuyến bàn về tình hình cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan ngày 18-7.
Vẫn khó về nguồn hàng
Theo phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, TP đã mở lại các chợ truyền thống nhưng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng nguồn hàng, dẫn tới giá cả tăng. Bởi ở những vùng sản xuất lớn, người dân không được ra đồng thu hoạch vì yêu cầu giãn cách, nên cần phải bảo vệ vùng sản xuất, vùng nguyên liệu.
Đồng tình, ông Trương Văn Ba - cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM - cũng cho rằng nếu các ngành không có sự phối hợp để có phương thức điều tiết, vận chuyển, phân phối thì dù có mở lại chợ truyền thống mà hàng hóa không có, tình trạng tăng giá vẫn có thể xảy ra.
Ông Ba cũng kiến nghị với Bộ Công thương làm việc với Bộ Tài chính, kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế địa phương phối hợp cùng quản lý thị trường điều tra, xác minh các trường hợp nâng giá bất hợp lý.
Như trường hợp hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, ngay sau khi có thông tin tăng giá bất hợp lý, quản lý thị trường đã làm việc với siêu thị này. Đến nay đã kiểm tra 232/561 cửa hàng, song ông Ba nêu thực tế kiểm tra cho thấy giá cả ở các siêu thị này "cũng không phải tăng quá cao".
Đại diện Cục Quản lý thị trường Tiền Giang cũng cho hay địa bàn gặp nhiều khó khăn trong cung ứng lương thực thực phẩm, chủ yếu nằm ở khâu lưu thông vận chuyển. Dẫn chứng, quản lý thị trường có 40 người tham gia các chốt kiểm dịch trên địa bàn, nhưng thực tế mỗi chốt làm một kiểu nên vận chuyển hàng hóa khó khăn, rất cần có sự thống nhất cách vận chuyển hàng hóa.
"Điều kiện tiên quyết"
"Đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa, trường hợp thiếu nhân lực thu hoạch, vận chuyển, phân phối, sẽ kiến nghị điều động quân đội sẵn sàng tham gia. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên |
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa miền Nam - cho rằng điều kiện tiên quyết đảm bảo cung ứng hàng là phải mở lại các chợ truyền thống. Do đó, khi thực hiện chỉ thị 16 ở các tỉnh phía Nam, không nên đóng cửa tất cả các chợ truyền thống, chợ đầu mối...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh ba khâu thu hoạch, vận chuyển và phân phối phải cùng kích hoạt để thực hiện, cùng ngồi với nhau để xử lý vướng mắc. Khi tình thế khó khăn hơn thì Nhà nước phải nắm vai trò điều tiết thị trường, cho lực lượng tham gia vận chuyển, phân phối hàng.
Đồng tình, Bộ trưởng Diên cho rằng tình hình có thể nghiêm trọng hơn trong các ngày tới, nên việc cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu là nhiệm vụ lớn, xác định tâm thế như thời chiến.
"Trong mọi tình huống, hai ngành (công thương và nông nghiệp - PV) chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men" - ông Diên khẳng định.
Theo đó, ông yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ngành giao thông, y tế, công an, quân đội làm tốt việc lưu thông phân phối, điều tiết hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt một cách kịp thời.
Với vùng nuôi trồng bị thiếu nhân lực, cần phải báo cáo ngay với hai bộ, từ đó phối hợp với Bộ Quốc phòng, trong trường hợp cần thiết, kiến nghị huy động lực lượng quân đội tại chỗ, sẵn sàng tham gia. Ông Diên yêu cầu không để tình trạng găm hàng, nâng giá, trục lợi nên trong ngày cần cử thêm lực lượng vào chi viện cho miền Nam.
Về triển khai chợ truyền thống, ông Diên cho rằng cần áp dụng các điều kiện nghiêm ngặt, như quy định chỉ được phép mua bán mặt hàng thiết yếu cho người dân, như lương thực thực phẩm, rau, thuốc men.
Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch là 5K, gắn với công nghệ như cấp mã QR, cấp thẻ mua bán, đảm bảo điều tiết lượng người vào phù hợp. Khử khuẩn thường xuyên và ưu tiên tiêm phòng ngừa COVID-19 cho tiểu thương.
Trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa miền Nam cho rằng điều kiện tiên quyết đảm bảo cung ứng hàng là phải mở lại các chợ truyền thống.
Mở cửa hàng bình ổn, thịt heo giảm giá ngay
Ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết ngay sau khi được Sở Công thương cho mở cửa hàng bình ổn thịt heo, hiệp hội đã đưa vào hoạt động từ ngày 16-7 vừa qua và lượng thịt heo mỗi ngày bán ra tương đương 30-40 con heo.
Điều quan trọng hơn, giá thịt heo được tính toán từ giá heo hơi đến chi phí giết mổ... bán ra tại cửa hàng này thấp hơn gần 100.000 đồng/kg so với giá heo của các điểm bán lẻ những ngày qua.
"Nhưng đây chỉ là một mô hình, quan trọng nhất vẫn là TP.HCM, nơi tiêu thụ heo chính của Đồng Nai, khi mở cửa lại các chợ đầu mối và hệ thống bán lẻ thì hàng hóa từ các vùng nuôi trồng trọng điểm mới có thể lưu thông và giá cả sẽ về mức hợp lý" - ông Đoán nói.