Bộ GTVT: Không giao dự án mới cho chủ đầu tư giải ngân chậm

(ĐTTCO)-Bộ Giao thông Vận tải sẽ có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với các đơn vị có kết quả giải ngân cao đồng thời cũng xem xét trách nhiệm các chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu giải ngân.
Dự kiến cả năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ giải ngân được khoảng 53.000 tỷ đồng và đạt kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Dự kiến cả năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ giải ngân được khoảng 53.000 tỷ đồng và đạt kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 12/2022 vào chiều 23/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ xem xét trách nhiệm các chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu giải ngân do lỗi chủ quan và kiên quyết không giao thêm dự án mới.

Sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân năm nay

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), tính đến ngày 22/12/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 42.535 tỷ đồng, đạt 77,3% so với kế hoạch được bổ sung (84,5% so kế hoạch giao đầu năm). Trong đó, vốn trong nước đã giải ngân được 38.413 tỷ đồng, đạt 77%; vốn nước ngoài đã giải ngân 4.122 tỷ đồng, đạt 76%.

Trên cơ sở tổng hợp số liệu về khả năng giải ngân kế hoạch năm 2022 từ các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, dự kiến cả năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ giải ngân được khoảng 53.000 tỷ đồng (tương đương 96% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao).

Đặc biệt, từ nay tới 31/1/2023, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 12.515 tỷ đồng tại các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 phải giải ngân 1.957 tỷ đồng; 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 giải ngân thêm 2.200 tỷ đồng. Các dự án ODA giải ngân 1.318 tỷ đồng; các dự án trọng điểm, cấp bách giải ngân thêm 408 tỷ đồng; các dự án giao thông trong nước còn lại phải giải ngân 6.631 tỷ đồng.

Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đạt từ 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân; kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án còn khối lượng giải ngân lớn, đặc biệt trong công tác giải ngân vốn giải phóng mặt bằng tại dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 để giải ngân thêm tối đa nguồn vốn đã được giao.

Xem xét trách nhiệm chủ đầu tư giải ngân chậm

Khẳng định năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công Bộ Giao thông Vận tải được giao thuộc nhóm cao nhất trong các bộ, ngành, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, sự vào cuộc của các chủ đầu tư, kết quả giải ngân đạt được tương đối tốt. Trong đó, khối lượng giải ngân trong hai năm 2021-2022 bằng cả kế hoạch vốn của nhiệm kỳ trung hạn trước.

Cho rằng khối lượng giải ngân vẫn còn lớn, Bộ trưởng yêu cầu đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 đang triển khai, các Ban quản lý dự án/chủ đầu tư phải tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn đẩy tiến độ để giải ngân bù cho khối lượng chậm.

Ngoài ra, các Ban quản lý dự án phải phối hợp với các địa phương có dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đi qua tập trung giải phóng mặt bằng đồng thời bứt tốc tiến độ giải ngân ngay sau khởi công.

Nhấn mạnh sau khi các địa phương hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng phục vụ khởi công, Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải yêu cầu chủ đầu tư cũng phải phối hợp với địa phương cấp tập triển khai cho xong trong quý 2/2023 đối với phần còn lại, đảm bảo dự án có 100% mặt bằng sạch để tổ chức đồng loạt các mũi thi công.

Đề cập đến nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng chỉ đạo các ban quản lý dự án phải cùng nhà thầu nghiên cứu kỹ nguồn vật liệu. Dự án nào có nguy cơ thiếu thì phải rà soát, đề xuất cụ thể mỏ ở đâu, trữ lượng bao nhiêu để cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc.

“Các đơn vị trong ngành giao thông nghiên cứu, đề xuất hình thức khen thưởng xứng đáng đối với các đơn vị có kết quả giải ngân cao đồng thời cũng sẽ xem xét trách nhiệm các chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu giải ngân do lỗi chủ quan. Nếu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chưa hoàn thành nhiệm vụ ở dự án cũ sẽ không được giao dự án mới,” Bộ trưởng Thắng quả quyết.

Các tin khác