Bộ kêu bỏ, vì sao chốt kiểm soát COVID-19 vẫn đòi 'giấy thông hành' trong nội tỉnh?

(ĐTTCO)-Dù Bộ Y tế đã yêu cầu 19 tỉnh, thành phố thực hiện chỉ thị 16 tạo điều kiện cho tài xế nội tỉnh và bỏ 'giấy thông hành' (giấy xét nghiệm âm tính COVID-19), nhưng một số chốt kiểm soát vẫn yêu cầu tài xế có giấy này.
Công an huyện Châu Phú kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 của một tài xế xe tải - Ảnh: BỬU ĐẤU
Công an huyện Châu Phú kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 của một tài xế xe tải - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 22-7,  anh C. - tài xế của một ngân hàng tại TP Châu Đốc, An Giang - bức xúc 2 ngày qua mỗi lần đi từ TP Châu Đốc qua khỏi cầu Kênh Đào, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú đều bị chốt kiểm soát COVID-19 huyện Châu Phú yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19, nếu không có buộc phải quay đầu xe.

"Tại sao tôi thấy báo chí đăng tải thông tin Bộ Y tế yêu cầu không xét giấy âm tính đối với xe lưu thông nội tỉnh mà chốt này vẫn xét giấy tất cả xe ra vào huyện Châu Phú? Việc xét nghiệm tôi nghĩ là cần thiết đối với tài xế xe tải đường dài từ ngoài tỉnh vào An Giang, chứ làm như hiện nay quá tốn kém về tiền bạc, công sức lực lượng và phiền phức cho anh em tài xế", anh C. bức xúc nói.

Theo ghi nhận, tại chốt Kênh Đào giáp TP Châu Đốc có để bảng chốt kiểm soát COVID-19. Tại đây, có 4 cán bộ cảnh sát giao thông thuộc Công an huyện Châu Phú và một thanh tra giao thông của Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang liên tục yêu cầu tất cả xe máy, ôtô ghé vào để kiểm tra.

Riêng đối với xe tải hay ôtô, chốt yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 mới cho qua, nếu không phải quay đầu xe.

Nhiều người dân huyện Châu Thành, An Giang bức xúc khi qua đò Mương Ranh vào địa phận huyện Chợ Mới cũng bị chốt kiểm soát COVID-19 yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 mới cho qua, nếu không sẽ buộc phải quay đầu xe.

Trước phản ánh này, ông Nguyễn Phú Tân - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang - khẳng định: "Đối với nhóm mặt hàng thiết yếu được Sở Công thương tỉnh quy định thì các xe vận chuyển thiết yếu đi bình thường, còn đối với các xe khác, các chốt của huyện kiểm soát thực hiện theo chỉ thị 16".

Vì sao Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh bỏ giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 đối với các xe lưu thông nội tỉnh nhưng vẫn còn tình trạng các chốt kiểm soát COVID-19 xét giấy này? Ông Từ Quốc Tuấn - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - nói An Giang đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 nên tỉnh kiểm soát người và phương tiện ra đường không lý do.

"Đối với nhóm hàng hóa thiết yếu nằm trong danh mục luồng xanh thì đi bình thường. Các trường hợp còn lại ra ngoài dù chính đáng nhưng không nằm trong nhóm thiết yếu, phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19.

Các địa phương làm như vậy để phòng dịch COVID-19 theo chỉ thị 16 là xã cách ly xã, huyện cách ly huyện, hạn chế di chuyển", ông Tuấn khẳng định.

Cà Mau: Hạn chế lập biên bản người đi đường, khai không đúng mới phạt

Chiều 22-7, liên quan đến việc triển khai thực hiện nghị quyết số 78/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo các lực lượng khi tuần tra, kiểm soát, trường hợp cần thiết mới lập biên bản, ghi rõ lý do ra đường, địa chỉ, cho cam kết, sau đó xác minh lại thông tin, nếu lời khai không đúng với thực tế đã xác minh thì xử lý nghiêm theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu quán triệt nghiêm việc cấp giấy đi đường theo nguyên tắc giải quyết cho người dân nơi có tập trung đông người sinh sống.

Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, hạn chế người dân ra đường ở những nơi đông người sinh sống; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đã cấp giấy sai thẩm quyền thì tổ chức thu hồi ngay, không để lưu thông những giấy đi đường (hoặc thẻ ra đường) không đúng quy định.

UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết không cấm hoạt động của các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh thiết yếu và các công trình xây dựng, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến công tác cung ứng thức ăn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho ngành sản xuất, ngành xây dựng và nuôi trồng nông, lâm, thủy sản.

Tạo điều kiện cho người dân thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi thu mua, buôn bán nông sản, thủy hải sản sau thu hoạch.

Các tin khác