Bỏ ngỏ thị trường nội địa

(ĐTTCO) - Việt Nam hiện đứng trong nhóm 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil) và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá sau Trung Quốc và Italia. Tuy nhiên, ngành da giày lại đang bỏ ngỏ thị trường trong nước khi sản phẩm nhập ngoại chiếm tới 60% thị phần.

(ĐTTCO) - Việt Nam hiện đứng trong nhóm 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil) và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá sau Trung Quốc và Italia. Tuy nhiên, ngành da giày lại đang bỏ ngỏ thị trường trong nước khi sản phẩm nhập ngoại chiếm tới 60% thị phần.

Tự tin ở sân chơi lớn

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, sản phẩm của ngành da giày nước ta đã có mặt tại 45 quốc gia, trong đó xuất khẩu mạnh nhất sang các nước Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Từ năm 2001 đến nay, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 20-21%/năm, chiếm 10% thị phần (thứ hai sau Trung Quốc chiếm 80%). Dự báo, thị phần giày dép của Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên 12% vào năm 2018. Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU sẽ giúp thuế xuất khẩu da giày từ Việt Nam vào EU giảm từ 12,4% hiện nay về 0%. Và khi hiệp định TPP được ký, mức giảm còn ấn tượng hơn, từ 14,3% về 0%.

Đáng chú ý, tiềm năng cạnh tranh xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam rất khả quan, khi được nhiều DN Hoa Kỳ đánh giá cao sự ổn định về kinh tế, tiền tệ, chính trị và xã hội, cùng với nguồn nhân công tay nghề cao, giá lao động rẻ, thời gian làm việc lại kéo dài tới 48 giờ/tuần (trong khi Trung Quốc là 40 giờ/tuần). Việt Nam cũng đang được nhiều DN lớn của Nhật Bản tin tưởng chọn là nơi đặt cơ sở sản xuất. Trong khối ASEAN, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những nước có ngành công nghiệp da giày phát triển và có sự tương đồng. So với 3 quốc gia này, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động tay nghề cao, giá nhân công… nên có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất DN da giày đang gặp phải trong xuất khẩu và xây dựng thương hiệu là chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu. DN cũng không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước khi phải nhập khẩu 75-80%.

Yếu sân chơi nhỏ

Dù có những thuận lợi nhất định trong lĩnh vực xuất khẩu, song phát triển ngành da giày đến nay vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững, nhất là tỷ lệ nội địa hóa thấp và DN trong ngành chưa tìm được chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội. Ngành da giày Việt Nam hiện có 812 DN, trong đó có đến 70% DN đạt kim ngạch xuất khẩu lớn là công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. 90% sản phẩm của Việt Nam là hàng gia công, phụ thuộc hầu hết vào thiết bị kỹ thuật, công nghệ, thiết kế sản phẩm, nguyên phụ liệu của đối tác nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của DN trong ngành hiện chỉ đạt 40-45%, phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu quan trọng như da thuộc, da nhân tạo, vải mũ giày, nhựa PVC, vải, keo, sơn PU… Đó cũng là một trong những lý do khiến ngành da giày Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu riêng, nên khó chủ động được đơn hàng, đồng thời làm giảm giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu.

Sản phẩm da giày trong nước được khách nước ngoài ưa chuộng.

Sản phẩm da giày trong nước được khách nước ngoài ưa chuộng.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm, nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Hầu hết sản phẩm giày dép nội chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp và phục vụ cho vùng nông thôn… Bên cạnh đó, thị trường đòi hỏi sản phẩm phải đa dạng về chủng loại, mẫu mã nhưng số lượng lại ít, khiến hàng hóa tồn kho cao, khả năng quay vòng vốn chậm… Mặt khác, sản phẩm của các DN ngay khi rời xưởng ra thị trường nội đã phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, những DN có quy mô lớn thường chọn giải pháp an toàn tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, còn sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho DNNVV.

Để DN da giày chủ động triển khai chiến lược đón cơ hội mới, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cùng các bộ, ngành trong việc xây dựng quy hoạch vùng công nghiệp da giày quy mô lớn, thuận tiện cho việc bảo vệ môi trường và sản xuất tập trung; phát triển công nghiệp phụ trợ với các cơ chế, chính sách thích hợp. Đặc biệt, khi tham gia TPP, ngành da giày Việt Nam sẽ có cơ hội đổi mới thiết bị máy móc, công nghệ và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thuộc da, qua đó tạo nền tảng hạ tầng cho ngành mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất giày cao cấp. Việc đẩy mạnh liên kết giữa các DN theo chuỗi cung ứng sẽ giúp DN thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường và các nước đối tác. Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn giúp DN trong ngành nâng cao chất lượng sản phẩm để bảo vệ người tiêu dùng.

Các tin khác