Bộ Nội vụ có can thiệp sâu?

(ĐTTCO) - Bao lâu nay ngành giáo dục luôn “khổ sở” với vấn đề tự chủ tuyển dụng giáo viên. Giáo viên là những người được các trường đại học, chuyên ngành đào tạo và cấp bằng, họ đủ tiêu chuẩn để đứng lớp.
Bộ Nội vụ có can thiệp sâu?
 Nhưng ngành giáo dục - nơi trực tiếp sử dụng họ, không được toàn quyền tuyển dụng mà phải thông qua Bộ Nội vụ. Rõ ràng đây là nghịch lý, vì giáo viên được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, lẽ ra chỉ cần giảng dạy theo đúng những gì đã được đào tạo, thì họ phải tham gia vào những cuộc thi viên chức với hàng loạt tiêu chuẩn đặt ra. 
Tại hội nghị phản biện Luật Giáo dục (sửa đổi), TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng lần sửa luật này phải rõ các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên, đủ đảm bảo để bảo vệ người khác không thể can thiệp vào hoạt động giáo viên. Theo đó ngành giáo dục phải được tự chủ về nhân sự, Bộ Nội vụ không nên can thiệp quá sâu vào việc tuyển dụng giáo viên.
Thực tế có những tiêu chuẩn mà theo TS. Chức là nhằm “đưa con ông nọ, bà kia vào”, gây tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên suốt bao năm qua, khiến dư luận bức xúc. Đã vậy, hiện nay giáo viên còn bị yêu cầu phải có những loại chứng chỉ mang tính hình thức, khiến cho họ phải đối phó, buộc phải chạy “bằng giả” chỉ để đáp ứng yêu cầu. 
Và từ đây đã dẫn đến việc điều động luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu gây xáo trộn, bức xúc, thậm chí tiêu cực, khiến giáo viên không yên tâm công tác.
Cả nước còn thiếu gần 76.000 giáo viên các cấp, nhưng là thiếu cục bộ ở một số địa phương (cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở). Do vậy việc “chạy chọt” để được dạy trường này trường kia vẫn luôn xảy ra. Và khi có giáo viên vào, đương nhiên giáo viên khác bị đẩy ra vì không đủ tiêu chuẩn… viên chức. Tại sao lại xảy ra thực trạng này? 
Mấu chốt từ năm 2012, sau khi Luật Viên chức có hiệu lực, Bộ Nội vụ đã xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, trong đó có vấn đề về tuyển dụng, sử dụng viên chức. Theo đó, việc tuyển dụng giáo viên các cấp học thực hiện theo quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.   
Hơn một lần đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng tiêu chuẩn định mức biên chế đối với giáo viên.
Song chính Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nhận khuyết điểm, là trong thời gian qua việc tổ chức kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên đối với việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên theo định mức biên chế được giao. Do đó, vẫn còn xảy ra tình trạng các trường phải hợp đồng giáo viên để dạy, trong khi biên chế ở địa phương chưa sử dụng hết.  
Muốn ngành giáo dục nâng chất lượng, phải để họ được quyền chủ động tuyển dụng nhà giáo. Bởi chỉ có cơ quan giáo dục mới nắm rõ, xử lý nhanh, kịp thời những biến động của giáo viên, hiểu rõ mình cần gì ở đội ngũ được cho là “nhân tố quyết định thành bại” của nền giáo dục.
Và để thay đổi thì đây là thời điểm thích hợp nhất khi dự thảo Luật Giáo dục đang được bàn thảo. Có thể việc này không dễ, nhưng không có nghĩa là né tránh để những bất cập này tiếp tục tồn tại, làm khó ngành giáo dục.

Các tin khác