Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, thuế rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của WHO mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm 40 - 85% giá bán lẻ.
Mặc dù mặt hàng rượu, bia đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 - 2018 nhưng Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, bằng 1,02 lần năm 2015.
Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự... Rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 - 49. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa.
Với mặt hàng thuốc lá, WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm 66 - 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá.
Theo đánh giá của WHO, WB, IMF và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá, giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%. Trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của các nước là 50 - 80% như Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Pháp 80%...
Tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Do vậy, việc sử dụng thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn và lộ trình tăng thuế này trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việt Nam hiện đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 75%; rượu 35 - 65%; bia là 65%.