Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân.
Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp; lưu ý rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đồng thời, tiếp nhận, tổng hợp, ghi nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; chuyển nội dung kiến nghị đến các đơn vị chức năng thuộc Bộ xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Bộ nếu vượt thẩm quyền, đôn đốc, xử lý, báo cáo Tổ trưởng - Bộ trưởng các trường hợp vướng mắc, khó khăn để chỉ đạo xử lý.
Các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp ghi nhận phản ánh, kiến nghị, chuyển ngay trong ngày kiến nghị đến các vụ, cục, tổng cục chức năng (qua tổ công tác/Văn phòng Bộ) xử lý theo thẩm quyền hoặc giao cá nhân, tập thể, đầu mối xử lý ngay theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; triển khai việc xử lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, nêu rõ các nội dung đã xử lý, nội dung đang xử lý theo thẩm quyền, cơ chế chính sách đã ban hành; đề xuất các giải pháp, nội dung xử lý vượt thẩm quyền.
Hoạt động của các thành viên Tổ công tác được thực hiện thông qua họp trực tiếp, trực tuyến hoặc bằng văn bản. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng hoặc đột xuất, các thành viên Tổ công tác đặc biệt tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân, nêu rõ nguyên nhân chậm trễ chưa xử lý, kiến nghị xử lý từng trường hợp vượt thẩm quyền (nếu có), gửi Tổ phó Thường trực Tổ công tác để tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, chỉ đạo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các trường hợp vượt thẩm quyền Bộ Tài chính.