Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, xử lý kiến nghị của hiệp hội trong sửa đổi các văn bản liên quan về thuế nhập khẩu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định pháp luật.
Trước đó vào cuối tháng 2, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT. Theo phía hiệp hội nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, ngày 15-11-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 101/NĐ-CP trong đó điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% từ ngày 31-12-2021.
Tuy nhiên, thuế nhập khẩu với khô đậu tương vẫn giữ nguyên 2% trong khi đây là mặt hàng có giá thành nhập khẩu cao và là nguyên liệu chính trong công thức sản xuất cám lợn và thuỷ sản. Việc giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu 2% đối với khô đậu tương như hiện nay gây áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi nhấn mạnh rằng nếu vẫn giữ mức thuế nhập khẩu 2% với khô đậu tương sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi cao kỷ lục và dẫn đến các vấn đề khác.
Mặt khác, khi giảm thuế nhập khẩu sẽ nâng tính cạnh tranh của ngành trong nước so với các nước trong khu vực, thế giới; kiểm soát lạm phát, đảm bảo đời sống nhân dân; không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách nhưng giúp tăng thu ngân sách do doanh nghiệp hoạt động trở lại, sản phẩm được tiêu thụ…