Giá biến động theo thế giới
Tính đến ngày 12-5, giá lợn hơi tiếp tục giảm mạnh ở khu vực miền Bắc, có địa phương xuống mức 64.000 đồng/kg. Hiện miền Bắc có giá lợn hơi thấp nhất cả nước. Tại khu vực miền Trung, Tây nguyên, giá lợn hơi dao động 67.000-75.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi giảm và dao động trong khoảng 70.000-71.000 đồng/kg. Giá lợn hơi giảm đã chấm dứt chuỗi thời gian “lập đỉnh” của mặt hàng thực phẩm thiết yếu này trên thị trường trong gần 1 năm qua.
Nhận định về giá lợn hơi, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết giá lợn hơi thời gian tới có thể dao động quanh mốc 80.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, mức giá lý tưởng nhất khoảng 75.000 đồng/kg sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích cho người chăn nuôi, người tiêu dùng và kênh phân phối. Đại diện Cục Chăn nuôi giải thích, do hiện nay chi phí thức ăn chăn nuôi và dịch vụ an toàn sinh học tăng, kéo theo chi phí chăn nuôi cũng cao hơn trước đây. Giá con giống cũng ở mức cao 2,5-3 triệu đồng/con.
Đối với hộ phải mua con giống, chi phí chăn nuôi 70.000 đồng/kg, với hộ chăn nuôi khép kín chi phí chăn nuôi 45.000-50.000 đồng/kg. Do đó, để có lời, giá lợn hơi cần ở mức tối thiểu 75.000 đồng/kg. Theo số liệu tổng hợp của Bộ NN-PTNT, tổng đàn lợn trong cả nước hiện có khoảng 27,3 triệu con, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, người chăn nuôi lợn vẫn lo ngại sẽ phải đối mặt với thua lỗ ngay cả khi giá lợn hơi neo ở mức 75.000 đồng/kg, khi giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường vẫn không ngừng tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thức ăn chăn nuôi chiếm ít nhất 70% giá thành các sản phẩm chăn nuôi. Tính riêng giai đoạn từ tháng 10-2020 đến nay, đã có 5-6 đợt tăng giá từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, với mức tăng 15-30%.
Theo Bộ Công Thương, các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện nay phụ thuộc vào nhập khẩu 70-80%. Do đó, khi thị trường nguyên liệu đầu vào thế giới biến động, giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước cũng biến động theo, tác động trực tiếp đến ngành chăn nuôi.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đạt khoảng 646 triệu USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vùng nguyên liệu manh mún
Vùng nguyên liệu manh mún
Chăn nuôi được định hướng là ngành xuất khẩu chủ lực, song nghịch lý là trong khi xuất khẩu không tăng trưởng đáng kể, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào vẫn tăng nhanh qua từng năm. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN |
Tính từ đầu năm đến nay, giá ngô trên thị trường thế giới đã tăng gần 48% và chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 7-2013. Đà tăng của giá ngô đã kéo theo giá một số loại ngũ cốc khác như đậu tương và lúa mì tăng theo, với mức tăng khoảng 16% kể từ đầu năm đến nay.
Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung từ Brazil và Mỹ ở mức thấp, gây ra tình trạng thiếu hụt khi nhu cầu sử dụng của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc tăng cao. Ngô, đậu tương và lúa mì là 3 loại nguyên liệu cơ bản dùng trong hoạt động chăn nuôi.
Sự tăng giá mạnh của giá ngô, đậu tương và lúa mì đang gây ra những thay đổi trong dòng chảy thương mại toàn cầu, đặc biệt trong ngành chăn nuôi và dự báo điều này sẽ kéo giá thịt gia súc, gia cầm tăng lên trong thời gian tới.
Câu hỏi dư luận quan tâm hiện nay, là liệu giá nguyên liệu ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng cao đến mức nào, đợt tăng giá lần này sẽ kéo dài trong bao lâu và tác động như thế nào đến ngành chăn nuôi trong nước, khi Việt Nam quá phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài?
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, điểm yếu lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay là không làm chủ được chuỗi cung ứng, trong đó có cung ứng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chăn nuôi được định hướng là ngành xuất khẩu chủ lực, tuy nhiên nghịch lý là trong khi xuất khẩu không tăng trưởng đáng kể, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của ngành vẫn tăng nhanh qua từng năm.
Ông Lịch nêu dẫn chứng về vùng nguyên liệu trồng ngô để phục vụ nhu cầu sản xuất của các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong cả nước, dù Chính phủ đã đề ra hàng chục năm qua, song đến nay vẫn không xây dựng được.
Một số vùng như khu vực miền núi phía Bắc, Tây nguyên, Đông Nam bộ, vốn được dự định xây dựng các vùng nguyên liệu trồng ngô, song đến nay vẫn thực hiện rất manh mún. Diện tích trồng ngô ngày dần thu hẹp, năng suất thấp đã không đáp ứng được nhu cầu trong nước, buộc các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài.
Bộ NN-PTNT cho biết, dự kiến mục tiêu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, mức tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình đạt 4-5%/năm, giai đoạn 2026-2030 trung bình 3-4%/năm. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành chăn nuôi trong nước phải sớm hoàn thiện chuỗi cung ứng theo hướng chủ động và bền vững.
Tại hội nghị “Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn 2040” diễn ra tháng 9-2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khi đó đã thẳng thắn nhận xét: “Trong hơn 40 tỷ USD nông sản xuất khẩu đi các nước, soi kính hiển vi không nhìn thấy ông chăn nuôi. Thực tế cho thấy, nếu không có kế hoạch hành động cụ thể, thích hợp, trong tương lai gần người chăn nuôi trong nước không chủ động được bất cứ khâu nào trong chuỗi, từ thức ăn đến con giống và thuốc thú y, chứ đừng nói gì đến xuất khẩu”.