Bỏ tổ dân phố, tinh gọn bộ máy cơ sở: Cần có kế hoạch, lộ trình

(ĐTTCO) - Thời gian tới, TPHCM sẽ thực hiện sắp xếp khu phố, ấp theo quy định của Trung ương. Theo đó, cấp dưới phường sẽ chỉ còn khu phố (ở phường, thị trấn) và ấp (ở các xã), kéo theo việc giảm 38.000 nhân sự ở cấp tổ dân phố, tổ nhân dân. 

Lãnh đạo TPHCM khẳng định đối với việc sắp xếp này, TPHCM sẽ thực hiện có kế hoạch, lộ trình và có chính sách thỏa đáng.

Giảm người, tăng phụ cấp

Mô hình tổ chức thêm tổ dân phố, tổ nhân dân bên dưới khu phố, ấp của TPHCM đã tồn tại từ năm 1985 đến nay, và hiện không phù hợp với quy định của Bộ Nội vụ. Theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND TPHCM, việc sắp xếp này sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu quả của khu phố, ấp, tăng mức phụ cấp cho nhân sự tham gia.

Đồng thời, mô hình mới sẽ giải quyết được các bất cập trong hoạt động của tổ chức bên dưới cấp phường, xã (như tình trạng hành chính hóa, không đúng nhiệm vụ quyền hạn, quá tải công việc cho cán bộ ở những cấp này). 

Việc sắp xếp sẽ thực hiện theo quy mô dân số. Theo đó, mỗi khu phố sẽ có từ 450 hộ, mỗi ấp có từ 350 hộ trở lên. Theo tiêu chuẩn này, TPHCM xem xét giữ nguyên 634 khu phố có từ 450-900 hộ dân; giữ nguyên 171 ấp có từ 350-700 hộ dân. Có 277 khu phố, ấp dưới chuẩn, phải xem xét sắp xếp; 926 khu phố, ấp trên chuẩn, phải chia tách.

Sau sắp xếp, số đơn vị sẽ giảm hơn 80%, từ 27.377 khu phố - tổ dân phố và ấp - tổ nhân dân sẽ còn 4.000 khu phố và 1.242 ấp. Số người hưởng phụ cấp tại khu phố, ấp sẽ giảm 38.083 người, tương đương 59,24%, còn 26.210 người. 

TPHCM bỏ tổ dân phố, tinh gọn bộ máy cơ sở: Cần có kế hoạch, lộ trình ảnh 1Thành viên Ban điều hành khu phố 2 (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) tham gia công tác chuẩn bị bầu cử năm 2021. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

UBND TPHCM nhìn nhận, khi tổ chức lại mô hình đã tồn tại suốt 37 năm qua, bước đầu sẽ gặp khó khăn, lúng túng trong hoạt động, sắp xếp nhân sự, nhất là khi số người tham gia giảm tới hơn 59%. Sau khi sắp xếp, mỗi khu phố, ấp sẽ có 5 chức danh người hoạt động không chuyên trách, với số hộ dân trên 350 hộ (đối với ấp) và 450 hộ (đối với khu phố). Đây là số hộ dân tương đối cao. Do đó, cần bầu chọn những người tâm huyết, có khả năng thích ứng với cường độ công việc, có khả năng sử dụng công nghệ thông tin khi tham gia công tác. 

Theo Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải, hiện nay có rất nhiều khu phố, ấp có quy mô trên 1.000 hộ dân, thậm chí nhiều khu phố, ấp có trên 4.000 hộ dân, gấp 10 lần quy định của Trung ương. Từ đó, công việc của các cán bộ tham gia rất vất vả, bị quá tải, trong khi mức phụ cấp theo quy định chung là rất thấp. HĐND TPHCM đã có chính sách hỗ trợ thêm cho các cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp nhưng nhìn chung, chế độ, phụ cấp cho đội ngũ này vẫn còn thấp.

Sau sắp xếp, các khu phố, ấp có quy mô trung bình hơn 350-450 hộ. Quy mô tương đối đồng đều, cùng sự phân công công việc hợp lý hơn sẽ giúp giảm tải cho cán bộ, đồng thời mức phụ cấp cho từng người cũng sẽ được tăng lên. 

Thận trọng từng bước 

Thực hiện chủ trương sắp xếp mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn, TPHCM đã tổ chức nhiều hội thảo, khảo sát, thống kê và đánh giá tổng kết mô hình hoạt động của khu phố - tổ dân phố, ấp - tổ nhân dân.

Theo đánh giá của UBND TPHCM, khu phố, ấp là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao. Khu phố, ấp được Trung ương quy định cụ thể về tổ chức, số lượng các chức danh, nhiệm vụ và hoạt động cụ thể. Trong khi đó, tổ dân phố, tổ nhân dân là tổ chức dưới khu phố, ấp - tương đương với nhóm hộ tự quản. Đây là đặc thù chưa có trong quy định của Trung ương và khác với các tỉnh, thành trên cả nước. 

Bên cạnh những đóng góp tích cực của cấp này trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, quá trình tổng kết cũng chỉ ra một số hạn chế. Đó là nội dung sinh hoạt ở tổ dân phố, tổ nhân dân một số nơi còn hình thức, số người dự họp tổ chỉ 15-25%. Có nơi, chỉ một tổ trưởng hoặc tổ phó hoạt động, người còn lại không tham gia hoạt động. 

Trong khi đó, toàn thành phố có tới 72 khu phố, ấp có từ 3.000-4.661 hộ dân. Số lượng khu phố, ấp đã giữ nguyên từ năm 2012 tới nay do chủ trương tạm dừng chia tách; trong lúc số tổ dân phố, tổ nhân dân không ngừng tăng do tốc độ đô thị hóa, dân số tăng cơ học rất nhanh. Do quy định số hộ dân của một tổ rất nhỏ, điều kiện chia tách, thành lập mới cũng đơn giản, nên phụ cấp và kinh phí, mức hỗ trợ bị chia nhỏ, không đủ để động viên, ổn định nhân sự.

TPHCM bỏ tổ dân phố, tinh gọn bộ máy cơ sở: Cần có kế hoạch, lộ trình ảnh 2

“Việc duy trì hai cấp khu phố, ấp và tổ dân phố, tổ nhân dân dẫn đến tình trạng ỷ lại lẫn nhau, nhân sự tổ nhân dân tâm huyết, năng nổ hoạt động thì nhân sự khu phố, ấp mờ nhạt vai trò, không bám sát dân và ngược lại”, Sở Nội vụ TPHCM nhìn nhận.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, TPHCM khởi động lại đề án sắp xếp khu phố, ấp sau 2 năm dịch bệnh. Cùng với việc giảm đầu mối, số cán bộ khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân cũng sẽ giảm.

“TPHCM sẽ làm việc này có kế hoạch, lộ trình, ai tiếp tục thì sẽ có chính sách theo quy mô mới, ai không tiếp tục sẽ có hình thức ghi nhận và có chính sách thể hiện sự trân trọng, ghi nhận đóng góp của các cán bộ trong thời gian qua”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.


Từ các phân tích đánh giá và góp ý từ các địa phương, MTTQ, Sở Nội vụ TPHCM cho rằng nên có kế hoạch lộ trình thực hiện chung trên địa bàn TPHCM, không tổ chức thí điểm. Đồng thời có chế độ, chính sách thống nhất nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó là tạo điều kiện hình thành các nhóm hộ tự quản liên kết khoảng 20 hộ dân, nhưng không làm tăng tổ chức như tổ dân phố, tổ nhân dân trước đây; khuyến khích đảng viên ở nơi đó làm trưởng nhóm nhằm nắm bắt tình hình an ninh trật tự và vận động thực hiện tốt các phong trào, công việc tự quản của cộng đồng dân cư.


Đồng chí NGUYỄN ANH TUẤN,Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Hóc Môn, TPHCM:

Cần chăm lo thỏa đáng trường hợp đặc thù


Huyện Hóc Môn có 87 ấp, 1.449 tổ nhân dân. Khi thực hiện sắp xếp, huyện không còn tổ nhân dân, nhưng số ấp sẽ tăng lên với quy mô trung bình khoảng 350 hộ/ấp. Các cơ quan về tổ chức, nội vụ của huyện đang nghiên cứu tham mưu để thực hiện theo đề án của TPHCM khi có chủ trương chính thức.

Các tổ trưởng tổ nhân dân rất tâm huyết với công việc, mong muốn cùng tham gia với chính quyền để lo cho cộng đồng. Đa số các cô, chú đều có các chế độ khác như lương hưu, bảo hiểm, hoặc cũng có người làm nghề tự do. Nên khi sắp xếp lại, họ không đặt nặng lắm vấn đề chính sách chăm lo hỗ trợ. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc thù thì phải được tính đến và chăm lo thỏa đáng.



Thạc sĩ LÊ THỊ THU HIỀN,Giảng viên Học viện Chính trị Khu vực II:

Không có chức năng về quản lý hành chính


TPHCM tổ chức 2 cấp dưới phường như lâu nay là chưa phù hợp với quy định của Trung ương, nên cần sắp xếp lại. Bản chất của các khu phố, ấp - tổ dân phố, tổ nhân dân là tổ chức tự quản, hoàn toàn không có chức năng về quản lý hành chính.

Đây là cánh tay nối dài của chính quyền cấp cơ sở trong quản lý dân cư, nhưng được ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn nhất định. Trong khi đó, TPHCM đang xây dựng chính quyền đô thị nhằm đảm bảo tính liên thông thống nhất cũng như tinh gọn bộ máy, nên việc sắp xếp lại chỉ còn một cấp dưới phường là phù hợp.


Có ý kiến cho rằng TPHCM có mật độ dân cư đông, đa dạng, có nhiều chung cư, các khu dân cư biệt lập… nên khó cho việc quản lý địa bàn của phường khi không còn tổ dân phố, tổ nhân dân. Nhưng các chung cư đều có ban quản trị, khu dân cư biệt lập cũng có ban quản lý. Như vậy, vẫn có những đơn vị tham gia quản lý dân cư cùng với khu phố, và địa phương sẽ quản lý địa bàn thông qua những tổ chức này.



Ông ĐỖ VĂN ĐẠO,Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM:

Sắp xếp lại là việc cần thiết


Mô hình 2 cấp dưới phường ở TPHCM đã tồn tại từ rất lâu, là đặc thù của địa phương, bắt nguồn từ mô hình trước giải phóng là dưới phường có khóm, dưới khóm có liên gia. Cả khu phố, ấp - tổ dân phố, tổ nhân dân thực chất là tổ chức tự quản.

Song, cấp chính quyền cơ sở (là phường) quá nhiều việc nên đã dựa vào lực lượng này và coi đó là cánh tay nối dài của mình. Thực tế hiện nay, việc gì cũng dồn xuống cho khu phố và tổ dân phố triển khai. Việc sắp xếp lại là cần thiết, để trả tổ dân phố về đúng bản chất tự quản.

THU HƯỜNG - NGÔ BÌNH

Các tin khác