(ĐTTCO)-Hội nghị giữa Chính phủ và các địa phương nhằm tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 diễn ra chỉ vài ngày trước khi năm 2015 kết thúc.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ năm 2016 phải sớm được ban hành để triển khai ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Trong đó, đáng chú ý người đứng đầu Chính phủ nêu quyết tâm năm nay sẽ đạt kết quả cao hơn năm 2015 trên mọi mặt, trong đó có mức tăng trưởng, và đặc biệt, muốn đạt được các chỉ tiêu thì hoàn thiện thể chế là một yêu cầu bức thiết.
Đó cũng là lý do mà Thủ tướng yêu cầu những gì các bộ ngành, địa phương còn vướng mắc về mặt cơ chế chính sách thì Bộ KH-ĐT phải chủ động tiếp thu để đưa vào nghị quyết thực hiện năm 2016, còn những kiến nghị cụ thể thì các bộ trưởng cũng phải xắn tay chỉ đạo xử lý ngay. Mục tiêu là quyết tâm đạt, vượt những chỉ tiêu của năm 2016 mà Quốc hội đề ra.
Trong số các nhiệm vụ của năm 2016, Chính phủ đã nêu rõ hàng đầu là giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nhưng đồng thời, phải đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá về thể chế phải được chú trọng nhất. Một thông điệp quan trọng, xuyên suốt mà Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nêu rõ, đó là phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho nhân dân, doanh nghiệp làm ăn.
Tức là phải đổi mới thể chế để kịp với sự phát triển của kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đổi mới thể chế càng trở lên bức thiết hơn bao giờ hết khi mà năm 2016 này, yêu cầu hội nhập được đặt lên hàng đầu. Không có cách nào khác là chúng ta phải nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập. Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do. Đó là xu thế chung của thế giới.
Chúng ta phải quyết tâm nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập hiệu quả. Muốn thế từng bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực của chính mình trong điều hành, trong quản trị kinh doanh, sản xuất.Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, mỗi bộ trưởng phải là người đột phá về thể chế. Vì mỗi dự án mà mất cả trăm ngày để làm thủ tục là không chấp nhận được. Vì thể chế chính là yếu tố quyết định việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chỉ có đổi mới thể chế thì mới đạt tới yêu cầu tạo mọi thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp trong làm ăn. Dĩ nhiên, ngoài đột phá về thể chế thì phải đột phá về hạ tầng để thu hút đầu tư, đột phá về nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nhưng để hội nhập sâu rộng, trong bối cảnh hiện nay khi mà Cộng đồng ASEAN đã hình thành, Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 20 nước là nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng với thuận lợi, cơ hội từ hội nhập, đất nước phải cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hết sức gay gắt và quyết liệt… thì đổi mới thể chế là vấn đề phải quan tâm hàng đầu.
Không ngừng hoàn thiện thể chế để một mặt quản lý nhà nước được chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả hơn, mặt khác là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân làm ăn, sinh sống, phát triển sản xuất kinh doanh cũng như tăng khả năng huy động và sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn cho phát triển. Đây cũng là đóng góp tích cực vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Không còn cách nào khác, từng bộ, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm, chủ động phối hợp để giải quyết các vướng mắc, tạo thuận lợi cho phát triển chung. Bởi nếu chỉ đưa ra nghị quyết, chủ trương dù đúng đắn, trúng trọng tâm đến đâu mà không thực hiện quyết liệt thì không thể hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn chứng, nói sắp xếp nông lâm trường, đổi mới biên chế, đơn vị sự nghiệp mà không có giải pháp cụ thể, không xắn tay vào làm thì không có kết quả, càng tinh giản, biên chế càng tăng. Hay đề án quy hoạch báo chí, chủ trương đã có, bây giờ phải là lúc Bộ TT-TT ngồi lại với các ngành, địa phương để thống nhất phương án triển khai.
Nói cách khác, các bộ, ngành, địa phương cần đề cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho một năm rất quan trọng như 2016 - năm mở đầu kế hoạch 5 năm tới.
Đã có quá nhiều ý kiến cho rằng, lúc này cần phát động trong toàn dân phong trào thi đua làm kinh tế. Chỉ khi tăng trưởng kinh tế đạt cao, bền vững thì vấn đề việc làm cũng như tất cả các vấn đề xã hội khác mới được giải quyết, chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng mới được giữ vững, bảo đảm.
Nhưng muốn thúc đẩy phong trào toàn dân thi đua làm kinh tế thì các cơ quan quản lý nhà nước phải không ngừng hoàn thiện thể chế. Và mỗi tư lệnh ngành, mỗi vị bộ trưởng phải là người tiên phong, đột phá, phải dám làm, dám quyết, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước.