
Bộ Xây dựng vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, ban quản lý dự án trực thuộc và các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn; Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm; Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng, Công ty CP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo về việc khẩn trương rà soát, xử lý các bất cập phát sinh trong tổ chức giao thông trên cao tốc.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, các tuyến đường bộ cao tốc sau khi đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, bảo đảm ATGT.
Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, một số tuyến cao tốc còn phát sinh bất cập trong công tác tổ chức giao thông liên quan đến vị trí đặt trạm thu phí, các trạm dừng nghỉ, tốc độ khai thác.
Trước thực trạng đó, Bộ Xây dựng yêu cầu đối với nhóm các tuyến đường cao tốc đang vận hành, khai thác, Cục Đường bộ VN chủ trì phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát giao thông, Ban ATGT, Sở Xây dựng các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về tốc độ, lấn làn, vượt ẩu; thường xuyên theo dõi phát hiện các điểm gây mất ATGT phát sinh và chủ động bổ sung, điều chỉnh ngay các công trình ATGT.
"Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương phối hợp với Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng rà soát, có phương án xử lý, tăng cường đảm bảo ATGT khu vực trạm thu phí Km 430+500 thuộc dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt trước ngày 20/5/2025. Trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo, đề xuất Bộ Xây dựng xem xét quyết định", Bộ Xây dựng yêu cầu.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Bộ Xây dựng cũng giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp dự án, VEC căn cứ vào điều kiện kỹ thuật của các đoạn tuyến cao tốc đang khai thác (bề rộng và số làn xe chạy; bề rộng dải an toàn; bề rộng dải dừng xe khẩn cấp) và các yếu tố kỹ thuật trong quá trình vận hành khai thác (lưu lượng xe trên tuyến; tốc độ khai thác trung bình trong thời gian gần đây; độ bằng phẳng mặt đường IRI; độ nhám mặt đường; điều kiện thời tiết...) để nghiên cứu, thực hiện điều chỉnh tốc độ của các đoạn tuyến, đảm bảo đồng bộ và an toàn trong khai thác theo quy định.
Tại văn bản chỉ đạo, Cục Đường bộ Việt Nam đồng thời được giao nhiệm vụ chỉ đạo các nhà đầu tư, các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ theo hợp đồng đã ký kết, xử lý nghiêm nhà đầu tư/doanh nghiệp chậm trễ trong thực hiện dự án.
"Trong thời gian chờ hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ, trước mắt, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án khẩn trương rà soát các hạng mục đã được đầu tư tại các trạm dừng nghỉ trên tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ và an toàn cho phương tiện ra vào trạm dừng nghỉ; Đồng thời, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (khi hoàn thành thêm hạng mục mới) để người điều khiển phương tiện giao thông có thể chủ động hành trình khi di chuyển trên các tuyến cao tốc", Bộ Xây dựng chỉ đạo.
Đối với nhóm các tuyến đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác tạm, các ban quản lý dự án được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi phát hiện các vấn đề phát sinh nếu có để kịp thời bổ sung, điều chỉnh các công trình ATGT.
"Các Ban QLDA cũng cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan, hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, hoàn thành công trình; phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam triển khai thủ tục bàn giao, tiếp nhận đưa công trình vào vận hành, khai thác chính thức", văn bản nêu.
Đối với Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cục, vụ chuyên ngành và các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật các nội dung còn bất cập phát sinh ở một số tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác vào trong báo cáo chủ trương đầu tư đối với các công trình, dự án đang nghiên cứu nâng cấp, mở rộng đường bộ cao tốc theo quy hoạch.