Bộ Xây dựng lên tiếng sau vụ 'thảm họa cháy' chung cư mini ở Hà Nội

(ĐTTCO)-Theo đại diện Bộ Xây dựng, chung cư mini vừa bị cháy ở ngách 29/70, phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) thuộc diện phải thẩm duyệt quy định về phòng cháy chữa cháy.
Khu vực thang thoát hiểm tại vụ hỏa hoạn chung cư mini Khương Hạ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Khu vực thang thoát hiểm tại vụ hỏa hoạn chung cư mini Khương Hạ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào đêm 12/9 tại chung cư mini ở ngách 29/70, phố Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) - ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh chung cư mini này không tuân thủ ngay từ thiết kế xây dựng tòa nhà ban đầu.

Qua kiểm tra, chung cư mini trên có nhiều yếu tố chưa bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn nhiều người dân phải liều mình nhảy sang mái tôn nhà hàng xóm để thoát thân.

Những “điểm tối” gây cháy, chết người

Thông tin với báo chí, ông Ngọc Anh cho biết ông đã trực tiếp xuống hiện trường chung cư mini bị cháy. Qua kiểm tra, ông ghi nhận và đánh giá chung cư này cao 9 tầng, 1 tum đều hàn chuồng cọp kín, có một số chuồng cọp có cửa thoát hiểm trong trường hợp hỏa hoạn. Tuy nhiên, tại chung cư này có nhà trang bị thang dây, có nhà không nên khó tiếp cận thoát sang nhà hàng xóm khi có hỏa hoạn.

Để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy thì chủ đầu tư phải tuân thủ ngay từ thiết kế xây dựng tòa nhà ban đầu. Trong khi giấy phép xây dựng cấp cho chủ đầu tư chung cư mini vừa bị cháy là giấy phép xây nhà riêng lẻ 6 tầng, 1 tum, mật độ xây dựng 70% nhưng chủ đầu tư đã xây 9 tầng, 1 tum với mật độ xây dựng 100%.

Cũng theo ông Ngọc Anh, việc để giếng trời tại tòa chung cư mini vừa bị cháy cũng rất nguy hiểm, khi bị cháy khói xộc lên rất nhanh.

Theo ông Ngọc Anh, mặc dù chung cư mini chưa có tên trong bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà chung cư, nhưng các công trình này có đầy đủ đặc điểm của một nhà chung cư, có cầu thang sử dụng chung, hành lang chung, phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng; do đó phải được thiết kế an toàn cháy theo quy định của nhà chung cư.

Chung cư mini-nơi xảy ra đám cháy nằm giữa khu dân cư đông đúc. (Ảnh:Tuấn Anh/TTXVN)

Vì thế, theo quy định về phòng cháy chữa cháy thì chung cư mini vừa bị cháy nghiêm trọng phải tuân thủ theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP (năm 2014), Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (năm 2020) hướng dẫn Luật Phòng cháy chữa cháy. Theo đó, công trình này thuộc diện phải thẩm duyệt quy định về phòng cháy chữa cháy.

Bên cạnh đó, theo quy định thì thang bộ của chung cư mini phải được đặt trong buồng thang kín, khói và lửa không lan vào được để bảo đảm an toàn cho cư dân thoát hiểm khi có sự cố. Để bảo đảm an toàn cháy nổ với nhà chung cư mini, trong trường hợp chủ đầu tư không thể lắp đặt thang bộ thoát hiểm thứ 2 bên ngoài tòa nhà thì phải lắp đặt, xây dựng tường ngăn cháy cho thang bộ trong tòa nhà.

“Thang bộ thoát hiểm trong tòa nhà phải có lối thoát riêng để khi xảy ra sự cố cháy nổ người dân có thể thoát ra an toàn. Nhưng qua kiểm tra, chung cư mini vừa bị cháy có nhiều yếu tố chưa bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy,” ông Ngọc Anh nói.

Vị đại diện Bộ Xây dựng cũng lưu ý chung cư mini phải tuân thủ việc lắp đặt 2 cầu thang, cầu thang trong và cầu thang ngoài. Lối thoát nạn phải đi qua hành lang an toàn. Nhưng chung cư vừa bị cháy không có cầu thang thứ 2 bên ngoài tòa nhà và cũng không có không gian để bố trí hành lang an toàn để thoát ra cầu thang thứ 2. Khi xuống tầng 1 không có hành lang an toàn để ra ngoài.

Cơ quan chức năng buông lỏng quản lý

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã từng cảnh báo biến tướng nhà chung cư mini. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, hồi tháng 6/2020, cơ quan này đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện quy định pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ, trong đó có chung cư mini.

Văn bản trên nêu rõ ở một số địa phương tại các khu vực đô thị đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng điều tra tại hiện trường vụ cháy. (Ảnh: TTXVN)

Điển hình như xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng để bán, chuyển nhượng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như: Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được sổ hồng cho người mua căn hộ; làm gia tăng mật độ dân số; phá vỡ quy hoạch, làm mất mỹ quan, thiết kế của đô thị...

Theo Bộ Xây dựng, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật này đã tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh tương đối đầy đủ các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ.

Đáng chú ý, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định: Căn hộ có diện tích tối thiểu 30 m2 trở lên, thiết kế theo kiểu khép kín, đáp ứng các yêu cầu về nhà chung cư thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho chủ sở hữu từng căn hộ này để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu.

Theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì công trình nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng khi đáp ứng các điều kiện: Thứ nhất, phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất; thứ 2, bảo đảm an toàn cho công trình; thứ 3, đáp ứng yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật; thứ 4, có thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng.

Vì thế, ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần chỉ đạo sở xây dựng phổ biến, tuyên truyền các quy định liên quan đến quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng để chính quyền địa phương và người dân hiểu rõ được các quy định của pháp luật trong việc quản lý các hoạt động xây dựng nhà ở.

Cùng với đó, các địa phương cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc cấp giấy phép xây dựng, triển khai thi công, quản lý chất lượng xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo đúng quy hoạch được duyệt và nội dung giấy phép xây dựng, nhất là với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở kiểu khép kín.

Các tin khác