Bộ Y tế lý giải như thế nào về việc thiếu thuốc tại nhiều cơ sở y tế?

(ĐTTCO) - Chiều 27-10, Bộ Y tế đã thông tin tới báo chí sau khi có phản ánh về việc nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc hiện thiếu thuốc một phần do chậm có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá.

Làm rõ thông tin phản ánh trên, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia, Bộ Y tế, cho biết, Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia có nhiệm vụ đấu thầu tập trung cấp quốc gia các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 32 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu. Đối với việc đấu thầu tập trung quốc gia phần lớn (88/106 thuốc) đã có kết quả từ ngày 3-8-2022 và có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-9-2022 tới 31-8-2024.

"Như vậy, kết quả đã được thực hiện hơn 1 năm và thời gian thực hiện còn gần 1 năm. Hơn nữa, trung tâm chỉ tổ chức đấu thầu đối với các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 32 hoạt chất trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu. Vì vậy, phần lớn nhu cầu các thuốc phục vụ công tác điều trị được thực hiện bởi các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu", ông Lê Thanh Dũng chia sẻ.

Nhiều cơ sở y tế công lập đang bị thiếu một số loại thuốc

Nhiều cơ sở y tế công lập đang bị thiếu một số loại thuốc

Đối với các thuốc đàm phán giá đã có kết quả trúng thầu 64 thuốc biệt dược gốc được công bố 4 đợt và hiệu lực thực hiện thỏa thuận khung đợt 1 từ ngày 15-11-2022 tới ngày 14-11-2024 và đợt 4 từ ngày 17-4-2023 tới ngày 16-4-2025. Tuy nhiên đàm phán giá là một hình thức đấu thầu có quy trình phức tạp, rất nhiều khó khăn, không có quy định về thời gian phải công bố kết quả.

Đồng thời, số lượng thuốc thuộc danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá rất lớn gồm 701 thuốc nên Trung tâm xây dựng kế hoạch và lộ trình phù hợp với điều kiện về thời gian của Hội đồng đàm phán giá và số lượng nhân lực của cán bộ thực hiện công tác đàm phán giá (đã tăng từ 4 thuốc năm 2021 lên 64 thuốc cho 1 đợt đàm phán vào năm 2022).

"Trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá được công bố, các cơ sở y tế được tổ chức đấu thầu đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Trung tâm luôn có văn bản thông báo về tiến độ công tác mua sắm tập trung và đề nghị các cơ sở y tế chủ động mua sắm thuốc phục vụ cho công tác khám chữa bệnh", ông Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.

Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện và địa phương chủ động hơn trong mua sắm, đầu thầu thuốc

Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện và địa phương chủ động hơn trong mua sắm, đầu thầu thuốc

Về kế hoạch triển khai tiếp theo trong thời gian tới của Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia, ông Lê Thanh Dũng cho biết, đối với công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 50 thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung, trung tâm đang tiến hành rà soát danh mục để tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho cơ sở y tế. Dự kiến thời gian cung cấp thuốc cho cơ sở từ ngày 1-9-2024 tới 31-8-2026.

Đối với công tác đàm phán giá với các thuốc biệt dược gốc, trung tâm đang hoàn thiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 86 thuốc, dự kiến trình Bộ Y tế phê duyệt trong tháng 11. Đồng thời cùng thời gian này, trung tâm dự kiến sẽ tiến hành tổng hợp nhu cầu của các cơ sở y tế trên toàn quốc đối với 64 thuốc biệt dược gốc sẽ hết hiệu lực Thỏa thuận khung vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Các tin khác