Tổn thất nặng nề nhưng vẫn cố…
Từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, nền kinh tế trong nước đã hứng chịu những tổn thất nặng nề. Tổng cầu giảm mạnh, từ đơn hàng, hợp đồng đến sản lượng đều sụt giảm trung bình 40-50%; doanh thu giảm theo trên diện rộng dẫn tới dòng tiền bị thiếu hụt, chi phí đầu vào, cước vận tải tăng cao, giá thành leo thang. Trong bối cảnh đó, nhiều DN vốn chưa khỏe, chưa kịp hồi phục sau ba đợt dịch trước, nay lại càng thêm khó. Một số DN có tích lũy nay bị hao tổn do nguồn lực cạn dần, sức chống chịu giảm, thậm chí có những DN đã đứng bên bờ vực phá sản.
Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, có đến trên 87% số DN bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19. Nhiều xí nghiệp chế biến thủy sản chỉ “chạy” khoảng một nửa công suất. DN bất động sản và xây dựng thì “án binh bất động” vì giá thép tăng. Các DN dệt may cho biết, chỉ cần 14-21 ngày ngưng sản xuất (giãn cách xã hội theo các chỉ thị) sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất chung của cả năm 2021 và thực tế đến tháng 8 này đã nhận ra điều đó.
Ngành du lịch từng có 2,9 triệu người lao động, từ khi dịch bùng phát đến nay, gần 90% người đã nghỉ hoặc tạm thời ngừng việc. Các DN phân bón đang đứng trước nguy cơ phải tạm ngưng xuất khẩu vì bị cho rằng do xuất khẩu đã khiến giá phân bón trong nước tăng bất thường…
Các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ lao đao vì dịch đã đành, nhưng các DN lớn cũng không thoát hiểm. Do tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng lại bị tác động bởi chính các chuỗi toàn cầu đó, do bị bế quan tỏa cảng, bị đứt gãy đầu vào và cả đầu ra, khiến nhiều “ông lớn” cũng phải giãn, đình hoạt động.
Kết quả là chỉ số công nghiệp tháng 7-2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng năm 2021. Một số địa phương bị dịch bệnh phức tạp, chỉ số nói trên còn giảm sâu hơn nữa.
Để ứng phó với tình hình trên, nhiều giải pháp được Chính phủ và các cơ quan chức năng đưa ra. Một số gói hỗ trợ mới được thiết kế. Hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền thuế, tiền sử dụng đất được gia hạn; các khoản tín dụng được tái cơ cấu; giảm lãi suất; thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh được cắt giảm…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng kịp thời ban hành “danh mục hàng hóa cấm lưu thông” thay ngay việc liệt kê “danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông” khi mà trước đó đã từng khiến cho mỗi nơi hiểu và vận dụng khác nhau, gây tắc nghẽn cục bộ lưu chuyển hàng từ địa phương sang địa phương khác, thậm chí ngay trên một địa bàn, giải tỏa tâm trạng bị cho là tái lập cảnh “cấm chợ, ngăn sông”.
Cần nhân tố thực thi chính sách
Nhưng, có lẽ trong bối cảnh “đặc biệt” như hiện nay thì cần những nhóm giải pháp mạnh mẽ và quyết đoán hơn nữa, đó là những chính sách mang tính chưa có “tiền lệ”. Những chính sách, những gói hỗ trợ DN và người dân cần phải thiết thực hơn, nhanh chóng được thực thi hơn, rút ngắn những khâu trung gian cũng như các rào cản.
Thực tế cho thấy, các gói hỗ trợ trước đó đã đang không đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi các DN đang gặp khó khăn thì những gói hỗ trợ lại chưa thực sự hiệu quả và kịp thời. Trong lúc DN gặp khó khăn như hiện nay, việc được mong chờ nhất là Chính phủ có các gói hỗ trợ đủ mạnh để DN có thời gian phục hồi. Còn chính quyền các địa phương thì cần tạo môi trường, hành lang pháp lý ưu việt nhất cho các DN tồn tại và phát triển. Hiện tại, các gói hỗ trợ vẫn còn xa với DN, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ.
Vấn đề ở chỗ vướng mắc ở khâu trung gian. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng dường như các địa phương “chưa dám” làm “hết mình”. Câu chuyện dềnh dàng của chính quyền các địa phương có bóng dáng của một vấn đề có tính “thâm căn”: sợ và né trách nhiệm. Việc rập khuôn chính sách khi thực thi cũng như việc mất quá nhiều thời gian vào các khâu trung gian đã khiến cho các chính sách chậm trễ và kém hiệu quả. Trong bối cảnh “đặc biệt”, rất cần phải có những “tiền lệ”.
Hãy để cho các địa phương có quyền tự quyết nhất định trong việc áp dụng các chính sách một cách linh hoạt trong hỗ trợ DN và chống dịch. Đã đến lúc cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, từng người đứng đầu trong việc thực thi chính sách. Chỉ có quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng thì các chính quyền địa phương các cấp mới dám “hết mình” trong mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, thay vì thực hiện một cách chung chung như hiện nay.
Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hướng tới mục tiêu cuối năm 2021 sẽ có khoảng 1 triệu DN, khách hàng được hưởng chính sách hỗ trợ ứng phó dịch Covid-19, trong đó khoảng 160.000 DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất và khoảng 50.000 DN trở lại hoạt động, khoảng 100.000 DN được giảm tiền điện, nước, cước viễn thông, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo tay nghề…, có lẽ cần phải có những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn.
Đó là tập trung khống chế dịch, tạo điều kiện cho DN khôi phục, ổn định, duy trì và mở mang sản xuất, kinh doanh; kết hợp với tổ chức lưu thông hàng hóa nội địa thông suốt, kết nối thị trường bên ngoài, đảm bảo nhập khẩu để không đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào cho sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu không để ách tắc đầu ra; cải thiện môi trường đầu tư đón làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam - một trong những điểm đến hấp dẫn; tiếp tục gia hạn nộp thuế; đổi mới chính sách tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN; sửa đổi, bổ sung các quy định, chú trọng những điểm mới áp dụng trong dịch bệnh; cải tiến mô hình “3 tại chỗ”; mở “luồng xanh” vận tải đường thủy trước mắt để gạo tới đầu mối phân phối…
Giải pháp Chính phủ đưa ra là hợp lý. Nhưng mấu chốt là khâu thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả, mà ở đó, nhân tố người thực thi, đặc biệt ở các cấp trung gian sẽ đóng vai trò thành hoặc bại của chính sách. |