Bộn bề lo toan các dự án hạ tầng giao thông

(ĐTTCO) - Năm 2025, kế hoạch vốn Bộ Giao thông-Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 81.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu giải ngân hơn 95% kế hoạch.

Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm nay trên 95%.
Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm nay trên 95%.

Từ kỳ vọng những dự án lớn

Trong năm 2025, nhiều dự án giao thông trọng điểm dự kiến được khởi công xây dựng để hướng tới mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc. Theo đó, trong năm 2025, Bộ GTVT dự kiến khởi công 19 dự án mới và hoàn thành ít nhất 50 dự án (đã và đang triển khai). Trong số 19 dự án mới có 14 dự án do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, 5 dự án do địa phương là cơ quan chủ quản.

Trong đó, 12 dự án sẽ được khởi công ngay trong quý I-2025, bao gồm 6 dự án sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) là: xây dựng hệ thống thông tin và kết cấu hạ tầng hàng không; cầu đường sắt Cẩm Lý (Bắc Giang); nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1 (các cầu Xương Giang, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang); mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; đầu tư tuyến nối tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; tuyến đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.

3 dự án dùng ngân sách địa phương và nhà đầu tư gồm: dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Ninh Bình); dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Thái Bình, Nam Định); dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; dự án đầu tư theo hình thức PPP là dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA là dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; dự án sử dụng vốn nhà đầu tư là dự án đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành (qua Bình Dương).

Sang đầu quý II-2025, sẽ có 5 dự án giao thông được khởi công, gồm 3 dự án sử dụng NSNN: dự án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý Nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam; dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn; dự án mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên; 2 dự án sử dụng vốn ODA là: dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 2) và dự án xây dựng cầu Ninh Cường trên Quốc lộ 37B. Tính chung, cả 12 dự án sẽ khởi công trong năm 2025 có tổng chiều dài 629km.

Trước đó trong năm 2024, Bộ GTVT cũng đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, tập trung xử lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp về giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nguồn vật liệu phục vụ các dự án đường cao tốc, nhất là khu vực phía Nam, đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được bảo đảm.

Như vậy có thể thấy, các dự án Bộ GTVT triển khai từ nguồn vốn ĐTC trong năm nay đều là những dự án lớn có tính “trọng điểm” của quốc gia, là then chốt trong đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng. Những dự án này khi triển khai sẽ có tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành kinh tế khác, giúp nhiều ngành kinh tế, doanh nghiệp tư nhân cùng phát triển (xây dựng, logistics, bất động sản, ngân hàng…) và tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động.

Đến những lo lắng

Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh đã nhận định, khối lượng công việc của ngành giao thông trong năm 2025 rất lớn. Đó là những dự án lớn như đường bộ phải hoàn thành mục tiêu 3.000km; đường sắt bên cạnh phấn đấu khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng còn nghiên cứu đầu tư nhiều tuyến khác; cơ bản hoàn thành dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng yêu cầu từ nay đến quý II- 2025, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải được gấp rút xây dựng và hoàn tất, các đơn vị khẩn trương xây dựng, ban hành tiêu chuẩn định mức còn thiếu ở các lĩnh vực, bởi “không có định mức thì không thể xây dựng đơn giá”.

Riêng lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng không giấu được sự lo lắng về một số dự án đang triển khai chậm. Đơn cử, các dự án thành phần đi qua khu vực Nam Trung bộ và ĐBSCL, cũng như yêu cầu các chủ đầu tư xem xét lại năng lực nhà thầu. Trong đó cần chú trọng tiến độ, quan tâm chất lượng.

Nhân sự quản lý dự án phải thường xuyên có mặt ở hiện trường cùng cơ quan quản lý chất lượng, tư vấn, nhà thầu nhận diện vướng mắc, gỡ khó kịp thời. “Đặc biệt, dự án Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc trục ngang, việc thi công rất cần cát gia tải. Nếu cát không đủ, thời gian không còn thì phải có giải pháp" - Bộ trưởng Minh lưu ý.

Thực tế, sự lo lắng và tăng cường đốc thúc của người đứng đầu ngành GTVT không phải không có cơ sở, khi khối lượng công việc của ngành năm 2025 được giao là quá lớn và vẫn đang rất bộn bề. Lấy dẫn chứng như đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một số gói thầu thuộc dự án chưa lựa chọn nhà thầu, đến nay tổng thể công trình mới được khoảng 30% giá trị.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối có nguy cơ chậm tiến độ. Bên cạnh đó, thủ tục cho các dự án cấp bách cần triển khai như: TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, TPHCM - Long Thành; Yên Bái - Lào Cai; Chợ Mới - Bắc Kạn; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan; Mỹ An - Cao Lãnh vẫn chưa hoàn thành, có nguy cơ sẽ làm chậm tiến độ triển khai.

Có thể thấy, so với tổng số vốn ĐTC theo kế hoạch chung của cả nước được bố trí trong năm 2025 là gần 875.000 tỷ đồng, thì số vốn ĐTC Bộ GTVT được giao chiếm chưa đến 10%, tuy nhiên việc hoàn thành mục tiêu giải ngân ĐTC của Bộ GTVT lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, khi ngành này có vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế với mức độ lan tỏa và kích thích nhiều ngành kinh tế cùng phát triển.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, ngành GTVT nói chung và logistics nói riêng, có đóng góp từ 8-10% vào tỷ trọng tăng trưởng GDP.

Hiện tại, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu có liên quan quyết tâm cao nhất, coi kết quả giải ngân là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm.

Các tin khác