Bộn bề, ngổn ngang trên công trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

(ĐTTCO) - Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được kỳ vọng sẽ là trục thoát nước chính cho TPHCM, góp phần chỉnh trang đô thị, giảm ngập và cải thiện môi trường. 

Phối cảnh dự án khi hoàn thành.
Phối cảnh dự án khi hoàn thành.

Ô nhiễm vì bụi và rác

Nhìn từ phối cảnh thiết kế, tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sau cải tạo sẽ có diện mạo đẹp, hiện đại; người dân sống dọc các con kênh này rất kỳ vọng như là ước mơ.

Thế nhưng, khi chúng tôi có mặt tại hiện trường vào giữa tháng 7, lại cho thấy “ước mơ” này xem ra còn khá xa vời: Mặt bằng thi công ngổn ngang, bùn đất bừa bộn, máy móc nằm im lìm, từng hạng mục thi công nhỏ giọt… Nhiều hộ dân sinh sống dọc hai bên kênh cho biết họ đã quá mỏi mòn vì khói bụi và tiếng ồn.

Có mặt trước căn nhà đóng kín mít nằm sát dự án trên đường Tham Lương (phường Đông Hưng Thuận), ông Đỗ Quang Đức than thở: “Bụi dữ lắm, đóng cửa suốt ngày còn không chịu nổi. Cửa mở ra là bụi phả vào nhà, bám đồ đạc, lau không xuể. Đã nhiều năm rồi cứ phải sống khúm núm trong nhà, không dám hóng gió, hóng mát gì hết. Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, việc đi lại cũng trở thành một thách thức”.

Ông Trần Mạnh Phát, một người dân lớn tuổi sống gần kênh, kể lại: “Dự án chậm quá, đường sá đầy đất cát, trượt té như chơi. Có việc thăm cháu tôi phải đánh liều đạp xe điện qua những đoạn đường trơn trượt, đầy đất cát. Vì thương cháu nên tôi phải liều mình mà đi. Mong rằng các cơ quan chức năng chú ý, đốc thúc chủ đầu tư đẩy nhanh triển khai dự án để dân đỡ khổ”.

04.jpg
Dự án đang trong giai đoạn thi công khẩn trương nhưng trên công trường không một bóng công nhân.

Không chỉ người dân bức xúc vì bụi bẩn và thi công ì ạch, nhiều người phản ánh tình trạng xả rác, đổ xà bần tràn lan dọc tuyến kênh. Ông Hoàng Thanh Tâm (phường An Hội Tây) bức xúc: “Trong khi dự án kéo dài, nhiều người thiếu ý thức vứt rác bừa bãi, thậm chí khu vực này trở thành nơi tập kết xà bần của các công trình xây dựng. Cảnh quan nhếch nhác, mùi hôi thối, ảnh hưởng nặng đến sinh hoạt và buôn bán. Quán cà phê cạnh nhà tôi nửa năm nay gần như vắng bóng khách”.

Vẫn cam kết đúng hẹn

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020-2045, tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, chiều dài gần 32km. Giai đoạn 1 đã hoàn thành nạo vét, giải phóng mặt bằng, xây một số cửa xả. Hai bờ kênh xây kè bêtông, lan can, lối đi bộ, bố trí mảng xanh.

Cùng đó, dọc kênh xây dựng đường rộng 7-12m, vỉa hè 3m mỗi bên, đáp ứng 2-3 làn xe. Khi cải tạo xong, tuyến kênh sẽ là trục thoát nước, chống ngập cho diện tích 14.900ha khu vực xung quanh, qua đó góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và tăng kết nối giao thông trên trục Bắc - Nam của TPHCM.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2 - phần cải tạo trọng yếu, tiến độ thi công lại rơi vào tình trạng chậm trễ trầm trọng. Mặc dù khi khởi công từ tháng 2-2023, chủ đầu tư từng hứa hoàn thành vào 30-4, rồi dời đến 2-9, nhưng nay lại tiếp tục lùi đến cuối năm. Tính đến nay, toàn bộ dự án mới đạt 52,62% khối lượng.

05.jpg
Dự án cải tạo kênh vẫn còn bề bộn, ngổn ngang.

Theo chủ đầu tư, dự án cải tạo kênh có 10 gói thầu xây lắp, có sự tham gia thi công của các nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Tổng thể tiến độ chung hiện mới chỉ đạt 52,62%.

Một trong những nguyên nhân khiến cho dự án bị chậm tiến độ, cũng đã được chủ đầu tư chỉ ra và đang khẩn trương khắc phục đó là thiếu nguồn vật liệu. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, nguồn vật liệu là một trong những “nút thắt” lớn nhất.

Cát xây dựng khan hiếm, nhiều thời điểm buộc phải mua từ Campuchia với giá cao. Hiện mới chỉ đáp ứng được 250.000m3 trên tổng số 1,44 triệu m³ (đạt 16%). Không chỉ thiếu cát, nguồn đá xây dựng cũng thiếu trầm trọng.

Chủ đầu tư cho biết đã gửi văn bản tới các tỉnh thành, mỏ đá để xin báo giá và trữ lượng. Một yếu tố khác không thể bỏ qua là đặc thù thủy triều lên xuống 2 lần/ngày ảnh hưởng lớn đến thi công, đặc biệt là vận chuyển thiết bị, vật liệu bằng đường thủy.

Dù gặp nhiều khó khăn, đại diện chủ đầu tư vẫn khẳng định quyết tâm hoàn thành toàn tuyến vào ngày 31-12. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cam kết hỗ trợ nhà thầu vượt khó, bù giá mua vật liệu, đồng thời thúc đẩy triển khai đồng bộ các gói thầu còn lại.

Còn với người dân sống hai bên kênh vẫn từng ngày hy vọng dự án sớm về đích, để họ không còn phải sống trong cảnh khốn khổ vì bụi bặm, ô nhiễm và thi công dang dở kéo dài năm này qua năm khác.

Các tin khác