Chuẩn bị kỹ vẫn ùn ứ
Trước thời điểm thu phí trở lại, Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang đã mở luồng dành riêng cho những xe trả phí tiền mệnh giá nhỏ; lập khu tác nghiệp cho báo chí. Các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang như: Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Công an huyện Cai Lậy và Thanh tra của Chi cục Quản lý đường bộ IV.3 (Cục Đường bộ Việt Nam) cũng có mặt tại khu vực trạm thu phí để làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông.
Ngoài ra, xe cứu thương, xe chữa cháy và các xe cẩu, cứu hộ cũng đã có mặt tại trạm thu phí. Nhân viên bảo vệ của trạm thu phí cũng tăng lên khoảng 50 người, gấp đôi so với ngày thường. Lực lượng của xã như cán bộ, công an xã cũng được huy động để hỗ trợ. Còn trạm truyền thanh của xã Bình Phú (gần địa điểm đặt trạm thu phí) cũng liên tục phát thông tin tuyên truyền, yêu cầu các tài xế nên chấp hành việc trả phí khi qua trạm và không nên có những hành vi làm “rối” việc thu phí của trạm…
Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 (Tiền Giang) cho biết: Trạm đã đầu tư thêm 2 bãi xe với diện tích 800m2 (có thể chứa 40-50 xe), khi xe nào qua trạm mà trả tiền lẻ thì sẽ được mời chạy vào 2 bãi giữ xe này để giải quyết, không để các xe này nằm trên làn đường thu phí để tránh kẹt xe...
Theo ghi nhận của phóng viên, trong buổi sáng chỉ có một số trường hợp tài xế trả tiền lẻ và những tài xế này được yêu cầu chạy xe vào bãi để giải quyết. Có một trường hợp tài xế dùng tiền mệnh giá 500.000 đồng để trả tại cabin thu tiền của trạm, không chịu chạy xe vào trong bãi nên làm cho trạm bị kẹt xe khoảng 20 phút. Để tháo ngòi kẹt xe, lực lượng bảo vệ trạm cẩu chiếc xe này vào trong bãi giữ xe.
Khoảng 30 phút sau, trạm thu phí mới trở lại hoạt động bình thường. Thế nhưng đến khoảng 12 giờ 45, do một tài xế “cù cưa” trả tiền lẻ khi qua trạm nên gây kẹt xe khoảng 30 phút. Để giải quyết ùn tắc, trạm thu phí đành xả trạm khoảng 1 tiếng đồng hồ, đến 13 giờ 45 thì trạm thu phí trở lại.
Đến 15 giờ 30, ùn tắc kéo dài hơn 4km, lãnh đạo trạm thu phí BOT Cai Lậy đóng trạm và không cho xả trạm mặc dù ùn tắc kéo dài, tài xế vẫn tiếp tục phản ứng. Không chỉ có vậy, một số tài xế tranh cãi với nhân viên thu phí tại cabin khiến tình hình kẹt xe kéo dài cả hai hướng.
Công an Tiền Giang có mặt, giải thích tài xế di chuyển ra khỏi làn thu phí để tránh tình trạng ùn tắc, nhưng họ vẫn không chấp hành. Tình hình càng phức tạp hơn khi nhiều tài xế cự cãi, to tiếng với cả nhân viên thu phí và CSGT. Cảnh sát cơ động được tăng cường để vãn hồi trật tự. Hai bên đường, hàng trăm người dân hiếu kỳ theo dõi.
Do ô tô ở trạm không chịu di chuyển, xe cẩu được điều đến nhưng cũng không thể kéo được xe đi. Trước áp lực “mưa tiền lẻ” của các tài xế và ùn tắc kéo dài, đến 17 giờ, trạm phải xả lần hai. Hai thanh niên liên quan đến vụ cự cãi với lực lượng giữ gìn trật tự đã bị cảnh sát đưa lên xe.
Phản ứng vì vị trí đặt trạm bất hợp lý
Theo các tài xế, dù chủ đầu tư đã giảm giá vé, nhưng việc thu phí trở lại này vẫn bất hợp lý nên cánh tài xế kiên quyết đấu tranh, yêu cầu trạm này phải dời vào tuyến đường tránh. Trong khi đó, ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, thì cho rằng trạm thu phí được đầu tư theo đúng quy định. Giảm giá vé là giải pháp cuối cùng, chứ không thể di dời trạm theo yêu cầu của người dân.
Còn ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang thì cho rằng mức thu phí lần này có giảm so với trước. Mức phí qua trạm thấp nhất là 25.000 đồng (mức cũ là 35.000 đồng) cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; cao nhất là 140.000 đồng (mức cũ là 180.000 đồng) mỗi lượt cho xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet. Người dân ở 4 xã Bình Phú, Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam và Phú An (huyện Cai Lậy) không có kinh doanh vận tải thì được miễn phí khi qua trạm.
Có mặt tại trạm thu phí, chúng tôi ghi nhận nhiều phản ứng từ cánh tài xế, nhất là các tài xế xe tải. Anh Nguyễn Phú Hào, tài xế xe tải đường dài, nói: “Mức thu phí là hợp lý nhưng đặt trạm tại đây là chưa hợp lý, cần phải di dời trạm vào đường tránh”. Tương tự, một tài xế ở Vĩnh Long cho biết: “Ngày nào trạm thu phí còn đặt ở nơi chưa hợp lý thì cánh tài xế của tụi tôi còn đấu tranh với nhà đầu tư”.
Không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, cánh tài xế hết sử dụng tiền mệnh giá nhỏ (200 đồng, 500 đồng) lại dùng tiền mệnh giá lớn như 500.000 đồng để mua vé qua trạm.
Theo đại tá Trương Văn Sáng, Trưởng công an huyện Cai Lậy, lực lượng cảnh sát chỉ can thiệp khi tài xế có hành vi gây rối trật tự chứ không xử lý hành vi đưa tiền lẻ hoặc tiền mệnh giá lớn.