Brexit: Anh và EU hướng tới cuộc mặc cả khó khăn

(ĐTTCO)-Trong khi Liên minh châu Âu (EU) mong đạt được một thỏa thuận về việc Anh rời khỏi liên minh hay còn gọi là Brexit vào tháng 10 tới để có đủ thời gian xem xét và phê chuẩn trước ngày 29/3/2019, thời điểm nước Anh chính thức “chia tay” liên minh này, vẫn không còn ít những khó khăn chờ đợi hai bên trong giai đoạn đàm phán tiếp theo.
Brexit: Anh và EU hướng tới cuộc mặc cả khó khăn

Bài viết trên tờ The Economist của Anh nhận định thỏa thuận Brexit gồm ba phần chính là ấn định các điều khoản cho thỏa thuận chuyển tiếp giai đoạn hậu Brexit; phê chuẩn thỏa thuận rút khỏi EU theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon mà hai bên đã đồng ý trên nguyên tắc hồi tháng trước; và dự thảo khuôn khổ chung cho quan hệ thương mại giữa hai bên trong tương lai.

Bản dự thảo thỏa thuận Brexit được đưa ra hồi tháng trước đã khiến dư luận phần nào "thở phào nhẹ nhõm" vì trước đó cả Anh và EU đều chuẩn bị cho kịch bản Brexit cứng, tức là không đạt thỏa thuận.

Nội dung dự thảo nhiều tính khả thi nhất có lẽ liên quan đến thỏa thuận chuyển tiếp.

Các cuộc đàm phán về vấn đề này dự kiến sẽ bắt đầu ngay trong tháng Một này.

Phía Anh chấp nhận thực tế rằng một giai đoạn thực hiện sẽ giữ nguyên các điều kiện như khi Anh còn là thành viên EU, ngoại trừ việc London không còn quyền bỏ phiếu và một số vấn đề khúc mắc còn tồn tại như việc ấn định hạn ngạch đánh bắt cá mà Anh có lẽ sẽ không có tiếng nói.

Các quan chức Chính phủ Anh thừa nhận sẽ khó đạt được thỏa thuận cho giai đoạn chuyển tiếp chặt chẽ về mặt pháp lý vào cuối tháng Ba tới, song cần làm rõ những nguyên tắc để đảm bảo rằng các doanh nghiệp có thể lên kế hoạch trước một năm.

Câu hỏi phức tạp hơn cả có lẽ là liệu có đi tới một điều khoản rõ ràng cho việc kéo dài giai đoạn chuyển tiếp tới cuối năm 2020.

Việc tạo hiệu lực pháp lý cho Brexit theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon cũng sẽ dẫn tới nhiều vấn đề. 

Hai bên sẽ phải đối mặt với những vấn đề còn tồn tại nhiều mâu thuẫn như Anh thanh toán "hóa đơn ly hôn" có phụ thuộc vào thỏa thuận thương mại trong tương lai hay không, việc cụ thể hóa thỏa thuận nhằm tránh hình thành biên giới “cứng” giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, vấn đề rời Thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan cũng như việc từ bỏ các quy định của EU.

Trên thực tế, việc tách khỏi các quy định của EU cũng như việc xử lý vấn đề này giữ vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.

Trong vấn đề này, EU đưa ra lập trường khá cứng rắn, đó là nếu Anh rời Thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan, cũng như muốn tách khỏi quy định của EU, nước này chỉ có thể đạt được một thỏa thuận chủ yếu giới hạn trong vấn đề thương mại hàng hóa.

Trong khi đó, Anh về cơ bản là chấp nhận những lợi ích có được giữa việc từ bỏ các quy định của EU và quyền tiếp cận thị trường chung, nhưng đồng thời cũng lưu ý rằng trường hợp của Anh là độc nhất từ trước đến nay khi ngay từ đầu đã tuân thủ hoàn toàn theo luật EU.

Điều này sẽ mở đường cho một thỏa thuận lớn hơn, đi kèm với đó là một cơ chế được hai bên nhất trí nhằm giải quyết những tranh chấp liên quan đến việc từ bỏ những quy định.

Bước đi tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng Ba tới, khi các nhà lãnh đạo EU công bố đường hướng đàm phán thương mại.

Về phía Anh, Thủ tướng Theresa May đã thể hiện rõ quan điểm về việc tìm kiếm một thỏa thuận quy mô tham vọng hơn so với thỏa thuận thương mại của Canada vốn bao trùm cả lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ.

Các diễn biến mới có thể sẽ khác khi các cuộc "mặc cả" khó khăn bắt đầu. 27 nước thành viên EU có thể không còn thống nhất như thời điểm thảo luận việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon hồi năm ngoái trong khi một số “ranh giới đỏ” của bà May có thể phần nào được xóa mờ.

Các tin khác