Quy định thông thoáng, 2 tuần xây 1 sân golf
Từ khi NĐ 52 có hiệu lực ngày 16-5-2020, kinh doanh sân golf trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, không còn bị bó buộc bởi quy hoạch như trước. Theo quy định tại NĐ 52, sân golf chỉ được xây dựng tại các địa điểm đáp ứng được các điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan…
Các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ hoạt động kinh doanh sân golf bao gồm: đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp quy định; đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng…
Diện tích sân golf cũng phải phụ thuộc vào quy mô dự án. Chẳng hạn, diện tích sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90ha (bình quân không quá 5ha trên 1 lỗ golf); diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270ha (54 lỗ golf)... Nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng sân golf trong thời hạn không quá 36 tháng (đối với sân golf 18 lỗ) hoặc không quá 48 tháng (đối với sân golf khác), kể từ ngày được quyết định cho thuê đất.
Nghị định còn quy định nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf phải đáp ứng 3 điều kiện: (1) Có năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đất đai. (2) Ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư. (3) Có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện dự án sân golf và người lao động tại địa phương; bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường khi xây dựng sân golf…
Ảnh minh họa.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi NĐ 52 có hiệu lực đã có nhiều địa phương, doanh nghiệp lợi dụng một số quy định chưa chặt chẽ. Cụ thể, một trong những quy định về nguyên tắc đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf là đưa vào quy định: “hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ, du lịch, thể thao; đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa hình thức vui chơi, giải trí, phát triển thể lực, sức khỏe cộng đồng”. Dựa vào điểm này, nhiều địa phương đã kiến nghị Chính phủ cho cấp phép đầu tư dự án sân golf.
Ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam có 75 sân golf đang hoạt động, trong đó 3/4 do nhà đầu tư Việt Nam làm chủ, 1/4 do người Hàn Quốc đầu tư. Theo ông Trí, nếu chiếu theo NĐ 52 mà nhiều địa phương xin phép xây dựng sân golf, thì tính trung bình cứ 2 tuần Việt Nam có thêm 1 sân golf được cấp phép. Sắp tới mỗi năm Việt Nam có thể thêm 50-100 sân golf.
Cần quy định chặt chẽ hơn
Cách đây chưa lâu, dư luận nóng lên bởi đề xuất của tỉnh Gia Lai về việc đầu tư dự án sân golf Đắk Đoa 36 lỗ với diện tích 174,01ha được cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư.
Đặc biệt, có đến 155,93ha rừng sẽ phải nhường chỗ cho sân golf Đắk Đoa, chưa kể danh thắng đồi cỏ hồng đẹp như tranh cũng sẽ chỉ còn là hoài niệm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho rằng tỉnh sẽ không mất rừng.
Theo đó, Gia Lai sẽ di dời những cây thông đi nơi khác để trồng lại, và nhà đầu tư phải trả tiền để trồng rừng thay thế tương đương với diện tích thực hiện dự án. Dù vậy, dư luận vẫn không khỏi lo ngại diện tích rừng, diện tích đất lúa, môi trường bị ảnh hưởng khi hàng loạt sân golf được cấp phép, và cho rằng nhiều doanh nghiệp lợi dụng để kinh doanh BĐS, nhiều dự án sân golf chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất.
Tại các tỉnh Đông Nam bộ, ngoài các sân golf đang hoạt động như Tân Sơn Nhất, Thủ Đức, Sông Bé, Hamoni, Long Thành, Long An, Twin Doves, Đồng Nai, Hồ Tràm… nhiều dự án vẫn còn nằm trên giấy hoặc bị thu hồi chủ trương đầu tư do không khả thi.
Như tại Bình Phước, ngay từ năm 2019, một tập đoàn xin quy hoạch quần thể sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, có diện tích lên tới 986ha tại khu vực trung tâm của TP Đồng Xoài.
Trước đó, từ năm 2017, sân golf 18 lỗ với diện tích sử dụng đất tới 350ha cũng được đề xuất xây dựng gần hồ Thác Mơ (thị xã Phước Long). Tại Tây Ninh, 2 dự án sân golf từng được quy hoạch là sân golf Hữu Nghị Việt Nam - Campuchia (gần Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu) và sân golf tại khu liên hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (huyện Trảng Bàng), đều không khả thi…
Thực tế, môn golf có sức hút rất lớn với một phân khúc khách du lịch có mức chi tiêu cao. Một sân golf có thể tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, thu hút hàng chục ngàn lượt khách quốc tế đến vui chơi kết hợp với du lịch địa phương. Do đó có thể nói rằng phát triển sân golf là việc cần làm để kích cầu du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng chủ dự án lợi dụng việc cho phép sử dụng 10% tổng diện tích đất sân golf xây dựng các công trình phục vụ hoạt động sân golf để xây khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng phục vụ mục đích kinh doanh trái phép.
Theo TS. Vũ Đình Ánh đây là kẽ hở trong cấp phép sân golf. Do vậy cần quy định rõ diện tích đất xây dựng sân golf chỉ để làm sân golf. Còn khu vực đất dịch vụ phục vụ trong khu vực sân golf phải thực hiện nghĩa vụ tài chính như đất dịch vụ. Ông Ánh cho rằng cần xem lại việc cấp phép sân golf ồ ạt hiện nay, không thể lấy lý do kích cầu du lịch địa phương mà các bộ ngành thông qua chủ trương đầu tư một cách dễ dãi.
Cần có cơ chế quản lý chặt BĐS nghỉ dưỡng “ăn theo” sân golf, áp thuế như đất dịch vụ - thương mại thông thường. |