Ca phẫu thuật được thực hiện vào tháng 8 năm ngoái, 2 năm sau khi Joe DiMeo gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng tại New Jersey, bị bỏng cấp độ 3 với 80% cơ thể bị thương tật. Khi đó, DiMeo đang lái xe sau ca làm việc đêm, tinh thần không tỉnh táo đã khiến anh tông vào cột điện, chiếc xe lộn vòng và bốc cháy. Tuy may mắn sống sót trong vụ tai nạn nhưng vài tháng sau, DiMeo rơi vào trạng thái hôn mê và trải qua hơn 20 ca phẫu thuật chỉnh hình, ghép da.
Đáng tiếc là các cuộc phẫu thuật thông thường không cải thiện được tình hình của DiMeo. Để giúp anh lấy lại thị lực, chức năng đôi tay, các bác sĩ quyết định thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép. Tuy nhiên, thách thức của ca phẫu thuật này là DiMeo chỉ có 6% cơ hội tìm được người hiến tặng tương thích với hệ miễn dịch. Các bác sĩ muốn tìm người hiến tặng có cùng giới tính, màu da và kích thước bàn tay. Chia sẻ về khó khăn trước khi tiến hành thực hiện phẫu thuật cho DiMeo, người dẫn đầu nhóm phẫu thuật chuyên gia cấy ghép, Tiến sĩ Eduardo Rodriguez, cho biết, ê kíp phải báo trước cho DiMeo mọi rủi ro khi từng có hai ca phẫu thuật tương tự trên thế giới và cả hai đều thất bại. Một bệnh nhân chết vì các biến chứng và một bệnh nhân khác buộc phải tháo bàn tay đã cấy ghép do chúng không thể hoạt động.
Bất chấp mọi khó khăn, đội ngũ y bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho DiMeo đã tìm được một người hiến tặng ở Delaware qua tổ chức hồi phục nội tạng LiveOnNY. Chỉ hai ngày sau khi Tiến sĩ Rodriguez kiểm tra độ tương thích các bộ phận của người hiến tặng, ca phẫu thuật kéo dài gần 23 tiếng đã được tiến hành tại trung tâm y tế Langone thuộc Đại học New York (Mỹ), với sự tham gia của đội chuyên khoa hơn 140 người.
6 tháng sau, đội bác sĩ chuyên khoa trung tâm này mới tự tin tuyên bố thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép mặt và hai tay lần đầu tiên trên thế giới. Đây được coi là chiến thắng vang dội trong cộng đồng y khoa và lĩnh vực cấy ghép cơ thể người. Đến nay, DiMeo cũng đã trải qua một số cuộc phẫu thuật nhỏ hơn, nhưng không có dấu hiệu đào thải các bộ phận cấy ghép. Từ khi xuất viện vào cuối tháng 11-2020, DiMeo đã được phục hồi chức năng tích cực, dành hàng giờ cho các liệu pháp vật lý và ngôn ngữ. Giờ đây, anh có thể tự mặc quần áo, dắt chó đi dạo, rèn luyện sức khỏe tại phòng tập thể dục và thậm chí còn chơi billiard.
Việc công khai ca phẫu thuật cũng là quyết định của DiMeo. Anh cho rằng, cần mang lại niềm hy vọng cho những bệnh nhân gặp tình trạng tương tự và vì đây thật sự là một bước tiến lớn của khoa học. DiMeo sẽ phải tiếp tục điều trị bằng thuốc để đảm bảo rằng, cơ thể không đào thải các bộ phận và cũng như tiếp tục rèn luyện phục hồi chức năng. Anh khẳng định: “Bạn thực sự không nên từ bỏ khi biết mình có cơ hội mới trong cuộc sống”.