Cả nước vào đợt nắng nóng gay gắt

(ĐTTCO) - Theo đánh giá của cơ quan khí tượng, năm nay, nắng nóng gay gắt đầu mùa đến sớm hơn thông thường.

Cả nước vào đợt nắng nóng gay gắt

Nắng nóng đến sớm

Cập nhật thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đến chiều 30-3, Nam bộ nắng nóng 35-370C, độ ẩm phổ biến còn 50-55%.

Sau những ngày mưa dông cực đoan (dông lốc, mưa đá), từ chiều 31-3 nắng nóng sẽ xuất hiện ở khu vực Tây Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, khởi đầu chuỗi ngày nắng nóng diện rộng và kéo dài trên phạm vi cả nước.

Cường độ nắng nóng sẽ phát triển mạnh hơn nữa từ ngày 1-4 ở tất cả khu vực trên và mở rộng sang Đông Bắc bộ, đồng bằng Bắc bộ (bao gồm Hà Nội).

Dự báo ngày 1-4, nhiệt độ cao nhất ở Tây Bắc bộ và Trung bộ sẽ vượt 380C, nắng nóng gay gắt, độ ẩm còn 45-50%; nhiệt độ cao nhất ở Đông Bắc bộ và Nam bộ dao động khoảng 35-370C, độ ẩm 50-55% (cường độ nắng nóng thấp hơn một chút). Khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 350C.

Theo đánh giá của cơ quan khí tượng, năm nay, nắng nóng gay gắt đầu mùa đến sớm hơn thông thường ở miền Bắc. Cao điểm của đợt nắng nóng mở rộng này là ngày 2-4. Đến ngày 5 hoặc 6-4 phía Bắc có thể mưa mát trở lại nhờ không khí lạnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ mưa đá tái xuất. Riêng Nam bộ nắng nóng vẫn kéo dài, chưa có dấu hiệu mưa nhiều.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cuối tháng 3 đầu tháng 4 là cao điểm mùa khô và mặn xâm nhập. Tuy nhiên, hiện có hơn 276.000ha lúa hè thu đã xuống giống, tập trung ở Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và một phần ở Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long.

Trước tình hình này, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương cân nhắc giãn tiến độ xuống giống hè thu để giảm nhu cầu cần nước sản xuất, hạn chế mặn xâm nhập sâu vào vùng cửa sông ven biển.

Theo ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, sang tháng 4 vẫn ít xuất hiện mưa, nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt cao… Từ nay đến cuối tháng 5, ĐBSCL còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao, trong đó đợt xâm nhập cao nhất từ ngày 8 đến 14-4, ranh mặn 4‰ tại các cửa sông 45-95km.

Cập nhật báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai từ các địa phương gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế..., đến ngày 30-3 có 2 người bị thương do dông lốc và mưa đá (tại Lào Cai và Phú Thọ); hơn 2.200 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại do mưa dông cùng gần 2.700ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị đổ, gãy…

Tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (vựa mận hậu lớn nhất và nổi tiếng của địa phương này), hàng ngàn hécta mận trong tổng số 2.400ha gần thời kỳ thu hoạch bị rụng do mưa đá. Giá mận hái cành ở các địa phương, loại rẻ nhất hiện có giá 50.000-60.000 đồng/kg (loại đẹp 75.000-120.000 đồng) nhưng nhiều chủ vườn đang phải bán mận non rụng với giá chỉ 1.000 đồng/kg.

Hồ đập kiệt nước, cây trồng thiếu nước

Ngày 30-3, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh phổ biến khô hanh, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp; dòng chảy các sông suối tiếp tục giảm, nhiều sông suối nhỏ đã ở mức cạn kiệt, trữ lượng nước các hồ chứa thủy lợi hạ thấp rất nhanh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 307 công trình thủy lợi gồm 255 hồ chứa, 32 đập dâng, 8 hệ thống kênh tiêu, 10 hệ thống trạm bơm và 2 công trình thủy lợi khác. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 28-3, có 27 công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước.

Tại Đắk Nông có 27 công trình hồ đập đã hết nước hoặc sắp cạn, nguy cơ thiếu nước cho cây nông nghiệp. Ảnh: MAI CƯỜNG

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ nay đến nửa đầu tháng 5-2024, mực nước các sông, suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm; tình trạng cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước cục bộ trên một số sông, suối nhỏ tiếp tục diễn ra. Trong thời gian tới nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực như huyện Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô, hơn 6.000ha cây trồng như cà phê, cây ăn quả có nguy cơ thiếu nguồn nước tưới.

Tại Gia Lai, nắng nóng kéo dài khiến một số địa phương cũng đang trong tình trạng thiếu nước cục bộ. Ông Siu Uôi, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, cho biết đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV 72 (đơn vị trồng cao su trên địa bàn, thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) điều xe bồn chở nước hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do hạn. Bên cạnh đó, xã đang vận động một số hộ dân hiến đất để làm hồ chứa nhằm tích trữ nước.

Khoảng 1 tháng nay, xã biên giới Ia Nan xảy ra khô hạn khốc liệt, nhiều giếng đã cạn. Có khoảng 400 hộ dân ở thôn Đức Hưng và làng Sơn bị thiếu nước. Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua nước bình, rất tốn kém. Theo dự báo của UBND xã Ia Nan, Trong 1 tháng tới nếu không có mưa, nguồn nước ngầm sẽ kiệt quệ, tình trạng thiếu nước sinh hoạt càng nghiêm trọng hơn.

Các tin khác