Theo đánh giá của VASEP, cá lóc và cá tra có những điểm tương đồng về kết cấu, hương vị và ứng dụng ẩm thực khiến cả hai loài cá này trở nên phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc. Cả hai loại cá này đều có thịt trắng, chắc, hương vị nhẹ và giàu protein, và có những lợi thế cạnh tranh riêng, phục vụ từng nhu cầu tiêu thụ.
Cá tra Việt Nam có giá thành hợp lý, nguồn cung ổn định, phù hợp với các thị trường lớn. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng bởi rào cản thương mại và biến động thị trường quốc tế. Trong khi đó cá lóc Trung Quốc cũng có thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, cá lóc có giá thành cao, hạn chế về quy mô nuôi và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phù hợp với thị hiếu nội địa và khu vực.
Tính đến ngày 15-11, Việt Nam vẫn là nguồn cung cá tra số 1 thế giới và Trung Quốc vẫn là điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Song theo VASEP,
kịch bản Trung Quốc tự cung tự cấp cá lóc để thay thế dần cho cá tra nhập khẩu từ Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ tới, và điều này sẽ là một lo ngại khi thị trường tỷ dân này đang là khách hàng lớn nhất của ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Theo VASEP, sự phát triển của cá lóc nội địa Trung Quốc đang diễn ra song song với việc nước này giảm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Năm 2020, lượng phi lê cá tra đông lạnh Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam giảm từ hơn 200.000 tấn, xuống còn 106.000 tấn năm 2023, và chỉ đạt 51.000 tấn trong 8 tháng đầu năm 2024.
Từ năm 2020, khối lượng nhập khẩu cá tra liên tục giảm, với năm 2023 và 2024 ghi nhận mức nhập khẩu thấp hơn cả giai đoạn đại dịch COVID-19. Tất nhiên, bên cạnh việc sản lượng cá lóc nội địa tăng lên, có nhiều nguyên do khác khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu cá tra như nguyên nhân kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.
Các đối thủ cạnh tranh của cá tra Việt Nam ngày một phát triển và đang mạnh lên dần. Chỉ riêng cá tra, hiện nay nhiều quốc gia cũng đã gia nhập cuộc đua nuôi và xuất khẩu cá tra. Cá tra Việt không còn “1 mình 1 chợ”, do đó cần nâng cao mạnh mẽ hơn nữa sức cạnh tranh trên thị trường bằng việc gia tăng chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo tuyệt đối các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.