Còn tại Bắc Kinh ngày 8-1, các quan chức Trung Quốc và Mỹ có ngày họp thứ hai nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài nhiều tháng qua giữa hai bên.
Tiếp tục tìm giải pháp
Ngày 8-1, trên trang cá nhân Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng công tác đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, ông Trump không nói rõ chi tiết. Hãng tin Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết, ngày 8-1, ngày thứ hai của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh đã kéo dài tới tối cùng ngày song cũng không tiết lộ thêm chi tiết.
Thị trường chứng khoán châu Á ngày 8-1 hỗn loạn khi thông tin về cuộc đàm phán Mỹ - Trung không được tiết lộ
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã dự đoán Bắc Kinh và Washington có thể đạt được một thỏa thuận thương mại mà “chúng tôi có thể chấp nhận được”.
Theo Bloomberg, sự mất cân bằng trong cán cân thương mại Mỹ - Trung là chủ đề chính trong các cuộc đàm phán thương mại song phương tuần này. Đàm phán được tiến hành theo các nhóm khác nhau về các lĩnh vực. Trung Quốc tuyên bố có thể cân nhắc một thỏa thuận, trong đó bao gồm tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ.
Kết thúc ngày đàm phán đầu tiên 7-1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận tốt liên quan các vấn đề thương mại trước mắt, trong khi một thỏa thuận về các vấn đề cơ cấu thương mại và việc thực thi sẽ khó khăn hơn.
Trong ngày đầu tiên của vòng đàm phán, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, vốn được cho là sẽ không tham dự cuộc đàm phán mà về mặt chính thức ở cấp thứ trưởng này, đã bất ngờ “xuất hiện”. Giới phân tích cho rằng đây là thiện chí và cam kết của Bắc Kinh về việc đi đến một thỏa thuận với Washington.
Nhiều dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã chịu nhiều thiệt hại kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với hơn 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Giới chức Washington cho rằng điều này sẽ tạo lợi thế cho họ trong việc đàm phán, khi mà cuộc chiến thương mại chưa ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng vấn đề thuế quan đang khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nói rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ bắt đầu quay đầu. Theo các nhà kinh tế của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch (BofAML), đà suy giảm kinh tế của Trung Quốc có thể bắt đầu đảo ngược trong vài tháng tới nhờ gói kích thích lớn trong nước.
Hợp tác tốt hơn giữa các bên
Đàm phán tại Washington giữa Cao ủy EU Cecilia Malmstrom và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng được chờ đợi. Việc Mỹ hồi tháng 7 tuyên bố sẽ không áp thuế lên xe hơi nhập khẩu từ châu Âu để đổi lại việc châu Âu hứa sẽ nhập thêm nhiều đậu tương Mỹ - nông sản xuất khẩu lớn nhất của nước này, là một động thái mà châu Âu gọi là một “sự nhượng bộ lớn” của Washington. Các quan chức Brussels đang hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ tránh được việc Mỹ áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu, điều này nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến Đức và có thể gây ra cuộc chiến thương mại. Một yếu tố của thỏa thuận giữa EU và Mỹ là thúc đẩy nhập khẩu đậu nành vào châu Âu từ Mỹ - lĩnh vực nhạy cảm đã bị tàn phá bởi cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump với Trung Quốc. Theo UrduPoint, ngày 7-1, EC công bố nhập khẩu đậu nành của EU từ Mỹ đã tăng 112% trong giai đoạn tháng 7 đến 12-2018, so với cùng kỳ năm trước.
Giới phân tích cho rằng, cuộc gặp giữa ông Lighthizer với Cao ủy EU Cecilia Malmstrom sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về cách thức để EU và Mỹ cũng như Nhật Bản có thể hợp tác tốt hơn nhằm đối phó với Bắc Kinh. Mỹ, Nhật Bản và EU vốn đang cùng cố gắng đưa ra một lập trường chung đối với chính sách thương mại mà họ cho là không công bằng của Bắc Kinh. Hầu như không ai kỳ vọng châu Âu tìm cách ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, hay Trung Quốc tìm cách gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Nhật Bản thúc đẩy.