Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng:
Công khai, minh bạch để dân giám sát
Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn: Internet |
Hôm qua 23-11, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NH-PTNT) Cao Đức Phát.
Một lần nữa, những bức xúc về tai nạn và hạ tầng giao thông, đảm bảo và nâng cao đời sống nông dân tiếp tục trở thành vấn đề nóng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Để giải quyết vấn đề giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, bên cạnh các giải pháp như nâng cao năng lực, hiệu quả, quản lý nhà nước, Bộ GT-VT sẽ chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, như tiếp tục phát triển các tuyến đường cao tốc, ven biển, giao thông nông thôn, hàng không.
Cụ thể, sẽ cải tạo đường sắt hiện có; tiếp tục nghiên cứu đường sắt cao tốc trình Chính phủ vào thời điểm thích hợp; sẽ đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Vinh, TPHCM - Trung Lương; tiếp tục nâng cấp các cảng hàng không hiện có (nhà ga T2 Nội Bài), chuẩn bị đầu tư cảng hàng không Long Thành…
Với đường biển sẽ xây dựng các cảng đầu mối như Cái Mép - Thị Vải, chuẩn bị vốn và xã hội hóa đầu tư cảng Vân Phong… Cùng với đó là phát triển đồng bộ các loại hình phương tiện vận tải để kết nối các phương tiện giao thông.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay những năm tới vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông lên tới hơn 70 tỷ USD nên không thể trông chờ ngân sách nhà nước mà phải vay. Do vậy, phải có giải pháp đột phá về quy hoạch, đầu tư giao thông theo cách tập trung, dứt điểm, hướng vào mục tiêu năm 2020 Việt Nam thành nước công nghiệp.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ GT-VT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết để có nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực trọng yếu này, Chính phủ đã đưa ra các nguyên tắc và đã có sự thay đổi tư duy để dù giảm dần đầu tư công nhưng phải mở được các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước.
Vốn ngân sách sẽ được sử dụng hợp lý hơn, thay vì đầu tư 100% như trước đây. Theo đó, cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng, cơ sở hạ tầng khác nói chung nếu có khả năng thu hồi vốn thì vốn ngân sách chỉ dùng làm đối ứng, vốn mồi, còn lại kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
Xu thế các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giao thông rất lớn như Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ… Họ mong muốn chúng ta có cơ chế cụ thể để có thể đầu tư và thu hồi vốn. Ngân sách nhà nước chỉ tập trung vào giao thông nông thôn vùng sâu.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm khi chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT là chất lượng các công trình giao thông. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ tập trung thúc đẩy dự án có chất lượng, lựa chọn ban quản lý, tư vấn, nhà thầu tốt.
Đặc biệt, công khai minh bạch để dân giám sát, thay thế kịp thời các nhà thầu, tư vấn thiết kế không đảm bảo yêu cầu. Nhằm nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình, Bộ GT-VT sẽ kiên quyết thay thế các nhà thầu không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó cần phải sửa Luật Đấu thầu vì quy định hiện hành khiến không chọn được nhà thầu có năng lực thi công và khả năng tài chính.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát:
Đảm bảo lợi ích nông dân
Vấn đề được một số đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát là đảm bảo lợi ích của người nông dân, hàng hóa sản xuất trong nước.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương tính toán, cân đối nhu cầu, cung cấp về số lượng, chủng loại và giám sát về chất lượng để đảm bảo tính ổn định tương đối trên thị trường, nâng cao lợi ích cho nông dân.
Về các biện pháp hạn chế trung gian, tránh để nông dân bị ép giá, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết nền kinh tế thị trường khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, nhưng một số lĩnh vực thiết yếu vẫn có doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ chi phối thị trường (như lương thực).
Bộ NN-PTNT đã phối hợp các tổng công ty lương thực nhà nước theo dõi sát thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo thu mua kịp thời để nông dân có lãi ít nhất 30%.
Ngoài ra, để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương xây dựng và điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp quy định quốc tế.
Chia sẻ vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này nhiều năm gần đây đều tăng.
Cụ thể, năm 2009 chiếm 35,9%, năm 2011: 39% và năm 2012 sẽ là 40,9%. Tốc độ tăng chi cũng cao hơn tăng chi bình quân chung. Ngoài ra, năm 2012 chi cho bảo hiểm nông nghiệp, nông thôn 1.200 tỷ đồng. Nếu sử dụng có hiệu quả, lĩnh vực này sẽ có bước phát triển tốt hơn.
Về việc bảo vệ hàng sản xuất trong nước, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, một mặt nước ta vẫn phải thực hiện cam kết, mặt khác phải xây dựng rào cản kỹ thuật. Khó khăn lúc này là làm sao áp dụng được cả hàng hóa trong và ngoài nước, tránh phân biệt đối xử.
Hiện nay, các mặt hàng trọng yếu như gạo, đường… đã có hệ thống phân phối tốt. Yếu nhất trong phân phối là thức ăn chăn nuôi, rau quả và những lĩnh vực này sẽ được cho củng cố bằng các cơ chế, chính sách và xử lý nếu doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối vi phạm.
Hiện Bộ Công Thương đang có các biện pháp bình ổn hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản trong nước thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do, các chương trình bình ổn giá.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình:
Sẽ không xảy ra đổ vỡ ngân hàng
Hôm nay 24-11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên đăng đàn tại Quốc hội. Trả lời trước bằng văn bản các chất vấn của ĐBQH về vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong những năm tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển an toàn, hiệu quả, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết trong quá trình cơ cấu lại sẽ không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, rối loạn tài chính và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN; hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề của hệ thống tổ chức tín dụng.
Quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng sẽ được thực hiện qua 3 giai đoạn. Thứ nhất, bảo đảm khả năng chi trả của từng tổ chức tín dụng và của cả hệ thống.
Thứ hai, cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo phương án được duyệt. Thứ ba, giai đoạn cuối là mua bán, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng.
Để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN sẽ đổi mới và hoàn thiện các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống kế toán của các tổ chức tín dụng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng. Phối hợp đồng bộ quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng với cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề xử lý tài chính, nợ giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Về vấn đề lãi suất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Cụ thể, sẽ điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động vốn VNĐ nếu lạm phát tiếp tục xu hướng giảm và tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định trần lãi suất huy động trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tăng cường điều hòa vốn giữa các tổ chức tín dụng và các tổ chức tín dụng thiếu vốn, có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ việc tiếp tục giảm lãi suất là một nhu cầu tất yếu của nền kinh tế, nhưng phải được tiến hành trong bối cảnh kiểm soát được tốc độ tăng lạm phát: “Với những dấu hiệu giảm lạm phát trong những tháng vừa qua và hy vọng rằng 2 tháng cuối năm 2011, chỉ số giá cả cũng sẽ giữ ở mức thấp (dưới 1%) sẽ tạo cơ sở vững chắc cho hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất vào cuối năm nay, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm sau”.