Năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đến năm 2020 với tổng vốn hơn 974 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 314 tỉ đồng, còn lại là vốn của doanh nghiệp nhằm chuyển đổi 2.836 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát thành 100 cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, đến năm 2017, đề án vẫn đang nằm trên giấy do không kêu gọi được nhà đầu tư. Vì trên thực tế, các lò mổ được đầu tư trước đó đang bị bỏ hoang, gây lãng phí cho người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, cơ sở giết mổ tập trung của ông Vũ Tiến Ngân (ngụ tại phố Thị Xuân, P.Quảng Tiến, TX.Sầm Sơn, Thanh Hóa) là một ví dụ điển hình. Năm 2003, được sự đồng ý của chính quyền, ông Ngân đầu tư 1,1 tỉ đồng đền bù đất đai cho người dân, làm đường và xây khu giết mổ tập trung rộng 2.000 m2 với quy mô 50 - 70 con lợn/ngày. Năm 2004 cơ sở đi vào hoạt động được 6 tháng rồi đóng cửa.
Năm 2013, UBND TX.Sầm Sơn kêu gọi ông Ngân đầu tư nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc theo dự án của Bộ NN-PTNT và cam kết sẽ yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ mang lợn đến giết mổ tại cơ sở của ông. Một lần nữa, ông Ngân vay mượn 500 triệu đồng để nâng cấp khu lò mổ cùng với 600 triệu đồng của dự án. Từ khi được nâng cấp xong đến nay, lò mổ này vẫn bị bỏ không do không có khách hàng.
Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Phú Sơn tại P.Phú Sơn (TP.Thanh Hóa) của Công ty cổ phần nông sản Thanh Hóa được đầu tư xây dựng hơn 6 tỉ đồng cũng bị bỏ không nhiều năm nay. Hệ thống lò hơi, máy sấy, các thiết bị phục vụ cho việc giết mổ gia súc, gia cầm… đang xuống cấp, hư hỏng. Theo Chi cục thú Y Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có 8 cơ sở giết mổ tập trung thì có tới 4 cơ sở đã dừng hoạt động, số còn lại hoạt động kém hiệu quả. Tỷ lệ gia súc gia cầm qua các lò mổ tập trung chỉ chiếm 5- 10%, còn lại mổ tự phát tại các cơ sở nhỏ lẻ và hộ gia đình.
Mới xóa 300/2.836 cơ sở nhỏ lẻ
Theo ông Lê Văn Luận, Chi cục trưởng Chi cục thú y Thanh Hóa, hệ thống lò mổ tập trung trên địa bàn “chết yểu” là do sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. “Họ không sát sao thực hiện các quy định của nhà nước, trong khi luật Thú y và kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh chỉ rất rõ là phải xóa bỏ các cơ sở giết mổ tự phát, nhỏ lẻ. Năm nào cũng chỉ đạo bằng văn bản giấy tờ rất đầy đủ, cuối năm tổng kết hoành tráng nhưng thực tế không đạt được kết quả như mong muốn. Ví dụ như mục tiêu của tỉnh ban hành năm 2013 đến năm 2020 xóa bỏ 2.836 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhưng đến năm 2017 vẫn còn hơn 2.500 cơ sở, mới chỉ giảm được hơn 300 cơ sở”, ông Luận nói.
Cũng theo ông Luận, Chi cục Thú y sẽ tham mưu Sở NN- PTNT và UBND tỉnh tăng cường đôn đốc các địa phương thực hiện đề án quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đến năm 2020; đồng thời chỉ đạo hệ thống các trạm thú y tích cực hơn trong việc tham mưu cho chính quyền cơ sở trong việc thực hiện nghiêm luật Thú y, tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ tự phát không bảo đảm an toàn vệ sinh. “Nếu chính quyền địa phương không quyết liệt vào cuộc thì luật Thú y rất khó được thực hiện nghiêm túc. Chỉ khi chính quyền kiên quyết xử lý, công tác tổ chức giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới đạt được kết quả như mong muốn”, ông Luận nói.
Chúng tôi nhiều lần liên hệ với Sở NN-PTNT Thanh Hóa, đơn vị được giao chủ trì thực hiện đề án, để tìm hiểu hướng giải quyết những khó khăn trong trong phát triển cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn, tránh gây lãng phí cho nhà đầu tư, nhưng đều không nhận được câu trả lời.