
Gã khổng lồ kinh tế đã đáp trả mức thuế 145% của ông Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng cách áp thuế 125% đối với hàng hóa của Hoa Kỳ, nhưng các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc tràn ngập các quảng cáo cung cấp "giấy chứng nhận xuất xứ" để lách các mức thuế cao này, tờ Financial Times đưa tin.
“Mức thuế quan quá cao", Sarah Ou, một nhân viên bán hàng tại Baitai Lighting cho biết. “Nhưng chúng tôi có thể bán hàng cho các nước láng giềng, và sau đó các nước láng giềng bán chúng cho Hoa Kỳ, và thuế sẽ giảm xuống".
Luật thương mại Hoa Kỳ yêu cầu hàng hóa phải trải qua quá trình “chuyển đổi đáng kể” ở một quốc gia khác để mang xuất xứ mới, nhưng các quảng cáo trên mạng xã hội lại chào mời “thủ tục hải quan thuận lợi” với các dịch vụ rửa xuất xứ.
“Hoa Kỳ đã áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc ?”, một quảng cáo viết. “Quá cảnh qua Malaysia để ‘chuyển đổi’ thành hàng hóa Đông Nam Á!”.
Malaysia và Hàn Quốc đã nổi lên như những điểm nóng về hoạt động này, và cơ quan hải quan của quốc gia sau cho biết họ đã phát hiện ra 21 triệu đô la hàng hóa có nguồn gốc giả mạo trong quý đầu tiên của năm nay, phần lớn trong số đó đến từ Trung Quốc và gần như tất cả đều hướng đến Hoa Kỳ.
Bộ Công thương Việt Nam đã kêu gọi áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng cấp chứng chỉ giả, trong khi Bộ Ngoại thương Thái Lan công bố các biện pháp tăng cường kiểm tra nguồn gốc đối với các sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
“Về cơ bản, tôi chỉ vận chuyển hàng đến cảng Trung Quốc và họ lấy hàng từ đó”, chủ sở hữu một nhà sản xuất hàng tiêu dùng có trụ sở tại thành phố Đông Quan, Trung Quốc cho biết.
“Các cơ quan này cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi có thể vượt qua được đợt thuế quan này tốt hơn vì luôn có những vùng xám”, bà nói thêm. “Tôi hy vọng điều đó là đúng. Hoa Kỳ là một thị trường lớn — tôi không muốn mất nó”.