Các cường quốc 'ganh đua' công nghệ chip và AI

(ĐTTCO) - Cuộc chạy đua trong lĩnh vực sản xuất chip và ẩn bên trong là cuộc chiến giữa nhiều quốc gia trong kỷ nguyên kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Sức ảnh hưởng của ngành chip và trí tuệ nhân tạo (AI) đến thị trường tài chính toàn cầu là điều không thể tránh khỏi.

Các cường quốc 'ganh đua' công nghệ chip và AI

“Vũ khí” chiến lược mới

Chính phủ Trung Quốc vừa mới công bố thêm một quỹ đầu tư vào ngành chip trị giá 47,5 tỷ USD. Trước đó vài ngày, chính phủ Hàn Quốc cũng thông tin về gói hỗ trợ trị giá 19 tỷ USD cho lĩnh vực chiến lược này. Bước đi của 2 quốc gia này đang cho thấy con người đang ngày càng phụ thuộc và sử dụng chip nhiều hơn, từ các thiết bị điện tử đơn giản cho đến các máy tính xử lý phức tạp hiệu suất lớn.

Tầm quan trọng của chip ngày nay được ví như huyết mạch của nền kinh tế. Do đó ai kiểm soát được những khâu quan trọng của quá trình sản xuất sẽ nắm được quyền lực và gây ảnh hưởng đến toàn cầu. Trong ngành công nghiệp chip, ảnh hưởng lớn nhất là đến từ thượng nguồn (upstream) với nguồn cung ứng nguyên liệu thô, các nhà nghiên cứu, sản xuất máy công cụ để chế tạo chip.

Tuy vậy, hiện việc sản xuất các máy công cụ hiện đại, chiến lược đang trong tầm kiểm soát của chỉ một vài tập đoàn có quy mô toàn cầu như ASML. Còn ở hạ nguồn (downstream), việc sản xuất cũng tập trung vào một số ít các doanh nghiệp như TMSC, Samsung, Intel, Nvidia.

Chính vì tầm quan trọng chiến lược này mà các cường quốc đều chạy đua và dè chừng nhau. Hoa Kỳ đã phải từng bước ngăn chặn Trung Quốc trong việc tiếp cận các công nghệ sản xuất chip hiện đại thông qua việc hạn chế nhập khẩu cũng như có những tác động đến các quốc gia đồng minh của mình.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển sức mạnh nội tại của mình. Nổi bật nhất việc là dồn sức đầu tư cho Huawei và đầu tư hàng trăm tỷ nhân dân tệ (NDT). Nếu tính từ năm 2014 đến giai đoạn thứ 3 này thì con số đã lên đến gần 700 tỷ NDT. Nguồn vốn đến nhiều nhất là Chính phủ và các ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc (Chính phủ cũng là cổ đông lớn).

Bên cạnh cuộc chạy đua giữa Mỹ với Trung Quốc thì các nền kinh tế khác cũng đang có những bước đi đầy toan tính ở lĩnh vực này. Chẳng hạn, EU đã có kế hoạch đầu tư mở rộng khả năng sản xuất chip với ngân sách 46,3 tỷ USD, nâng tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này lên con số 108 tỷ USD. Các quốc gia khác như Ấn độ, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út… cũng có những chương trình đầu tư lớn lớn cho ngành chip.

Nhà đầu tư kỳ vọng quá đà?

Khi các chính phủ quan tâm và đầu tư nhiều vào ngành chip thì các doanh nghiệp sản xuất chip là nơi được hưởng lợi, kéo theo sức hút dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nổi bật nhất là cổ phiếu của Nvidia, trong 1 năm qua giá cổ phiếu đã tăng 183% và tính trong khoảng 5 năm là 3.049%.

Định giá so sánh hiện nay theo chỉ số P/E của cổ phiếu này là 64,5x, một con số cao hơn nhiều những doanh ngành khác ở mức trung bình khoảng 30x. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn đua nhau mua vào với kỳ vọng lợi nhuận của Nvidia tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Lợi thế của Nvidia là khả năng phát triển mạnh ở lĩnh vực AI, thế nhưng sự hồ hởi và hy vọng quá nhiều vào AI cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Mới đây, GS. Daron Acemoglu, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phân tích qua một nghiên cứu của mình cho rằng đóng góp của AI vào hiệu quả sử dụng lao động là có không đáng kể, vì phần lớn đóng góp vào việc giảm chi phí hay tăng năng suất là ở những tác vụ dễ học (easy-to-learn tasks).

Cùng với đó là việc lo ngại đầu tư vượt nhu cầu cần thiết và hạ tầng của AI, với các hệ thống máy tính hiệu năng cao, các trung tâm dữ liệu lớn. Bài học trước đây trong ngành viễn thông cho thấy đầu tư quá mức sẽ mang lại hiệu suất đầu tư thấp, và sự thất vọng của nhà đầu tư sẽ dẫn đến làn sóng quay đầu. Khi đó, cổ phiếu của các công ty viễn thông cũng đảo chiều lao dốc.

Với sự tiến triển rất nhanh của công nghệ thì lo ngại này là rất đáng quan tâm, bởi các mô hình AI được cạnh tranh và ngày càng rẻ hơn. Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ liên tục lập đỉnh mới ở 3 chỉ số chính là SP500, Nasdaq và Dow Jones, trong đó có đóng góp lớn của các cổ phiếu ngành công nghệ và đặc biệt là ngành chip. Trong trường hợp sự thất vọng ở ngành chip xuất hiện thì ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường Hoa Kỳ nói riêng và cả thế giới nói chung là điều khó tránh khỏi.

Nhà nước hay thị trường đầu tư ?

Đầu tư cho công nghệ mà trọng tâm là ngành công nghiệp chip và AI đòi hỏi phải có một nguồn lực tài chính đáng kể. Một số chính phủ đã xem kinh nghiệm của Đài Loan như một bài học khi thực hiện chính hóa đổi mới sáng tạo (financialization of innovation). Theo đó, vốn đầu tư vào công nghệ phải đến một phần đáng kể từ thị trường chứng khoán. Trên thực tế, vốn hóa của các công ty công nghệ Đài Loan chiếm một phần lớn trong vốn hóa của thị trường chứng khoán nước này.

Với những quốc gia nằm ngoài vòng tranh giành ảnh hưởng, hoặc cuối chuỗi giá trị thì việc cạnh tranh thu hút để được tham gia vào một khâu sản xuất hay nghiên cứu phát triển (thiết kế), hay được chuyển giao để sản xuất những dòng chip đơn giản, lạc hậu hơn (analog chip) cũng là một thành tựu đáng kể.

Tuy nhiên, để tham gia được vào chuỗi giá trị này, cũng như từ đó tạo ra giá trị gia tăng thì đòi hỏi sự chung tay từ cả nhà nước và thị trường.

Tầm quan trọng của chip ngày nay được ví như huyết mạch của nền kinh tế. Do đó ai kiểm soát được những khâu quan trọng của quá trình sản xuất sẽ nắm được quyền lực và gây ảnh hưởng đến toàn cầu.

Các tin khác